Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Diệt muỗi phòng chống bệnh sốt rét

Tạp Chí Giáo Dục

Phun hóa chất diệt muỗi để phòng chống bệnh sốt rét. Ảnh: M.H
Bộ Y tế vừa báo động về tình trạng kí sinh trùng sốt rét kháng thuốc artemisinin ở một số địa phương như Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Quảng Nam… Theo đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã kí văn bản giao các trung tâm y tế dự phòng và các bệnh viện tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt rét.
Sốt rét có thể gây tử vong
Kí sinh trùng gây bệnh sốt rét là muỗi Anopheles, kí sinh trùng này là một sinh vật có kích thước nhỏ, nhìn bằng mắt thường thì rất khó phát hiện. BS. Trương Xuân Hiên (Trưởng khoa Sốt rét Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết: “Chỉ có muỗi Anopheles cái mới có khả năng truyền bệnh sốt rét vì nó phải hút máu người hoặc động vật để thực hiện chức năng sinh sản, còn muỗi đực chỉ hút nhựa cây để sống. Muỗi xâm nhập theo vết đốt, tiếp tục phát triển qua các giai đoạn trong cơ thể người và gây bệnh sốt rét”. BS. Nguyễn Thị Thu Hà (Phó chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 7A, TP.HCM) cho biết thêm: “Bệnh lâm sàng của sốt rét rất đa dạng, gồm nhiều thể: Thể tiên phát, tái phát, sốt rét ác tính… Trong đó, sốt rét ác tính được coi là thể nguy hiểm nhất đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tỷ lệ tử vong của sốt rét ác tính khoảng 10%. Những người bị sốt rét thể não thường thể hiện các triệu chứng thần kinh như hành vi bất thường, run giật nhãn cầu… Còn sốt rét thường thì không có dấu hiệu đe dọa đến tính mạng người bệnh”.
Theo BS. Hiên thì: “Bệnh này lây truyền qua đường máu được biểu hiện bằng những cơn sốt rét điển hình với 3 triệu chứng cơ bản: Rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Các cơn sốt rét không điển hình như sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét (hay gặp ở người sống lâu trong vùng sốt rét lưu hành), sốt liên tục hoặc dao động (hay gặp ở trẻ em, người bệnh bị sốt rét lần đầu)”.
Trong một số trường hợp người mắc bệnh sốt rét tiên phát còn nhầm tưởng với các bệnh như nhiễm siêu vi, sốt xuất huyết, cảm cúm… Tuy nhiên, bệnh sốt rét thường có nhiều cơn sốt rét có thể kéo dài từ 2-8 giờ và những người mắc bệnh này thường kèm theo các triệu chứng như thiếu máu mãn tính, gan to, lách to, mất tiểu cầu… Bệnh sốt rét gây nên nhiều tác hại nghiêm trọng như bị thiếu máu do kí sinh trùng  gây bệnh phá vỡ hồng cầu, dẫn đến da xanh, môi thâm, mệt mỏi… BS. Hiên khuyến cáo: “Ở trẻ nhỏ, bệnh sốt rét gây chứng mất máu trong thời kỳ phát triển não và cũng gây tổn thương não trực tiếp từ sốt rét thể não. Những người sống sót do sốt rét não có nguy cơ gia tăng suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi, và động kinh. Còn với phụ nữ mang thai thì dễ gây sẩy thai, đẻ non, hoặc trong quá trình sinh nở dễ mắc phải các tai biến sau sinh”.
Phòng bệnh sốt rét
Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán bị mắc bệnh sốt rét cần được điều trị sớm, đúng, đủ liều và dựa vào kết quả xét nghiệm kí sinh trùng sốt rét để được chỉ định sử dụng thuốc sốt rét phù hợp. Những người mắc bệnh sốt rét nếu được điều trị đúng cách sẽ có khả năng hồi phục hoàn toàn.
BS. Hiên nhấn mạnh: “Hiện nay, khi chưa có vaccine phòng ngừa bệnh sốt rét, thì việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Người ta có thể diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh. Vì đa số muỗi sốt rét vào nhà đốt rồi nghỉ lại trong nhà nên các chương trình phòng chống sốt rét ở một số nước nhiệt đới coi trọng việc phun hóa chất có tác dụng diệt côn trùng kéo dài vào tường vách. Ở các vùng có nguy cơ mắc bệnh cao thì biện pháp được sử dụng phổ biến là dùng màn tẩm hóa chất. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc san lấp các ao tù, vũng nước để loại trừ các ổ lăng quăng (ấu trùng của muỗi). Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành người dân  nên chú ý mặc quần dài, áo tay dài khi đi làm nương, làm rừng, bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở, đốt hương muỗi, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng… Ngoài ra, chúng ta có thể đóng lưới ở tất cả các cửa sổ cũng như cửa ra vào và sử dụng quạt máy để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Bệnh sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do kí sinh trùng gây nên, chính vì vậy mà mắc bệnh rồi vẫn có khả năng bị tái nhiễm nếu không có biện pháp phòng tránh.
Nghiêm Quế
BS. Hiên cho biết: “Sở Y tế đã kí văn bản cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM về việc hướng dẫn quy định giám sát dịch tễ trong phòng chống sốt rét. Cụ thể là phổ biến quyết định 3232/QĐ-BYT kèm theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét; hướng dẫn công tác thống kê báo cáo các tuyến của chương trình phòng chống sốt rét”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)