Theo chinhphu.vn, Bộ GD-ĐT trong thời gian tới sẽ trình Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017-2025 trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ 2020) để phù hợp hơn với yêu cầu và tình hình thực tế.
Học sinh tiểu học tại TP.HCM học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Ảnh: N.Trinh |
Bộ GD-ĐT cho biết, sau hơn 8 năm thực hiện, Đề án ngoại ngữ 2020 chưa đạt hiệu quả và được dự đoán khó thành công do mục tiêu ban đầu xa rời thực tế. Theo đó, đề án hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo. Với mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp TC, CĐ có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Tuy nhiên, mặc dù đã đi qua hơn nửa chặng đường nhưng Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hiện nay, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đang thiếu trầm trọng, trình độ yếu. Theo đó, năm 2016, chỉ có 33% giáo viên THCS và 26% giáo viên THPT đạt chuẩn. Tại một số địa phương trên cả nước, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Cả nước mới có khoảng 1,6 triệu học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 trên tổng số gần 7,8 triệu học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 100% học sinh lớp 3 học chương trình tiếng Anh 10 năm và tiến tới phổ cập tiếng Anh tại các trường phổ thông vào năm 2025. Đặc biệt, kết quả thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây một lần nữa chứng minh việc “phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp” vào năm 2025 như đề án đặt ra là khó thực hiện. Cụ thể, năm 2015, phổ điểm môn ngoại ngữ tập trung từ 2,5 đến 3 điểm, hơn 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Năm 2016, gần 90% thí sinh đạt điểm ngoại ngữ dưới trung bình. Còn năm 2017, số thí sinh có điểm dưới trung bình chiếm đến 68,38%. Theo một số chuyên gia giáo dục, mục tiêu quá cao so với thực tế là nguyên nhân khiến đề án hoạt động không hiệu quả.
Trong báo cáo của Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018, Bộ GD-ĐT cũng nhận định việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn. Do đó, tại hội nghị này, Bộ GD-ĐT cho biết đã đánh giá, xem xét tình hình triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2016; trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh, bổ sung giai đoạn 2017-2025 phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã giao 10 đơn vị nòng cốt về đào tạo giáo viên ngoại ngữ phối hợp với các sở GD-ĐT triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông với tổng số chỉ tiêu là 5.940 giáo viên; xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên tiếng Anh theo Khung năng lực giáo viên tiếng Anh ETCF. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng các định dạng đề thi, ngân hàng câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam…
T.Hà
Bình luận (0)