Đảm bảo quyền lợi và sự công bằng giữa thí sinh thi và thí sinh đặc cách tốt nghiệp Ảnh: Như Ý |
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 được tổ chức trong hai ngày 6-7/8 tới. Ngày 24/8, các địa phương sẽ công bố điểm thi cho các thí sinh này. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thi 2 đợt, thuận lợi xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT thống nhất chỉ xét tuyển chung 1 đợt cho tất cả thí sinh.
Vì vậy, Bộ đã điều chỉnh các mốc thời gian quan trọng, trong đó có 3 mốc thời gian liên quan thí sinh. Thời gian thay đổi nguyện vọng của thí sinh diễn ra từ 29/8-5/9 (lịch cũ từ 7-17/8). Thời gian công bố điểm chuẩn trước 17h00 ngày 16/9, thời gian thí sinh xác nhận nhập học trước 17h ngày 26/9. Những điều chỉnh này nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho hơn 10.000 thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT cả hai đợt.
Được chọn phương thức tuyển sinh phù hợp
Tại cuộc họp với các trường ĐH về tuyển sinh đối với thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh trong khu vực phong tỏa, là F0 đã được giải quyết. Tuy nhiên, có tỷ lệ không nhỏ trong số này có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trước thực trạng này, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH phát huy tinh thần tự chủ và trách nhiệm xã hội, có phương án chung trên toàn hệ thống, tính toán dành tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp để xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp. Các cơ sở đào tạo xác định khu vực xét tuyển chủ yếu làm căn cứ tính toán; dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, chương trình đào tạo tương ứng tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Đối với các ngành, chương trình đào tạo có nhu cầu lớn, điểm chuẩn các năm trước thường cao và các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định sau lịch xét tuyển chung dựa trên kết quả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT, đồng thời được bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho mỗi ngành, chương trình đào tạo này tương ứng tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ (thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của cơ sở đào tạo).
Các cơ sở đào tạo căn cứ lịch tuyển sinh được điều chỉnh và tình hình thực tiễn để xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung phương thức xét tuyển phù hợp với yêu cầu của cơ sở đào tạo và tạo thuận lợi cho thí sinh, trong đó có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT, dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH quốc gia (dự kiến được tổ chức trong tháng 9) và các phương thức khác (do cơ sở đào tạo quyết định và chịu trách nhiệm giải trình).
Đảm bảo quyền lợi, quyền bình đẳng
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay, từ năm 2020, trường đã có kinh nghiệm trong việc xét tuyển thí sinh dự thi đợt 2. Năm nay, có thêm đối tượng thí sinh xét đặc cách tốt nghiệp. Ông Triệu cho biết, trong đề án tuyển sinh của trường, các phương thức đều lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn nên trường sẽ căn cứ vào đó để lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp nhất. “Số lượng thí sinh đặc cách tốt nghiệp năm nay có thể nói lớn nhất trong lịch sử khoa cử của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chia bình quân cho các trường ĐH thì số lượng sẽ không nhiều. Sau khi có dữ liệu của Bộ, trường sẽ rà soát và đưa ra những tiêu chí phù hợp. Đảm bảo quyền lợi cho các em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không dự thi được tốt nghiệp THPT nhưng cũng phải đảm bảo quyền bình đẳng, công bằng với những thí sinh khác”, ông nói.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, trường đang có một số phương án xét tuyển thí sinh được đặc cách tốt nghiệp, trong đó có thể lấy kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đợt tới hoặc trường sẽ có một bài kiểm tra đầu vào cho các em. Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là những thí sinh này đã đăng ký xét tuyển vào trường qua hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đợt tháng 4 vừa qua.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, tới đây bộ phận chuyên môn của Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung danh sách và số lượng thí sinh được xét đặc cách để gửi dữ liệu cho các trường. Sau khi có số liệu, các trường sớm công bố phương án điều chỉnh bổ sung, để thí sinh đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH quốc gia để có nguồn dữ liệu chung. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này có thể tham gia xét tuyển chung đợt. Ông Sơn lưu ý, các trường cần tính đến những thí sinh không tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, nên cần chủ động để có phương án xét tuyển cho các em.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, việc xét tuyển phải đảm bảo tuân thủ quy chế tuyển sinh hiện hành (điều kiện xét tuyển, chính sách ưu tiên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào…). Trong trường hợp có cùng phương thức và tiêu chí xét tuyển như các đối tượng dự tuyển khác ở các đợt xét tuyển khác trong năm tuyển sinh của cơ sở đào tạo, điều kiện trúng tuyển phải được xác định là như nhau đối với từng ngành, chương trình đào tạo.
Bình luận (0)