Sinh viên tìm hiểu thông tin thị trường lao động tại một ngày hội việc làm của TP.HCM
|
Một khảo sát mới đây cho thấy có đến 60% học sinh chọn sai ngành học. Con số hiểu biết về ngành học đã chọn chỉ chiếm 5%. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp phải làm trái ngành vì khó kiếm việc cũng không hề nhỏ.
Thất nghiệp trên… đống việc
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định, thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý là nhiều người thất nghiệp trong khi doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động có tay nghề.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, sau 3 năm từ 2009 đến 2012, trung tâm đã khảo sát 30 ngàn lượt doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và nhận thấy, mặc dù tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và đang làm việc tại thành phố là gần 60%, cao so với cả nước nhưng vẫn còn rất thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố giai đoạn từ nay đến 2020. Được biết, từ nay đến năm 2020, nhu cầu về lao động đã qua đào tạo của thành phố khá cao, chiếm đến 65% nhu cầu lao động toàn thành.
Trong quy hoạch phát triển nhân lực của thành phố giai đoạn 2011-2020 cũng sẽ ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất – hóa dược và mỹ phẩm). Cái khó không chỉ cho riêng TP.HCM mà cả những tỉnh/thành khu vực phía Nam chính là thiếu nguồn nhân lực trình độ cao ở những ngành cần phát triển này, trong khi số lao động không thuộc nhóm ngành này lại thừa đáng kể.
Nghịch lý thiếu – thừa như trên một phần đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp. Nguyên nhân lao động thất nghiệp còn ở chỗ người học ra trường vẫn chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm; một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, ngoại ngữ và kỹ năng là những yêu cầu rất thiết thực từ phía nhà tuyển dụng nhưng rất đông sinh viên chưa đáp ứng được.
Cân đối nguồn nhân lực
“Hoạt động đào tạo của các trường ĐH, CĐ góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Việc đào tạo cần có chiến lược cụ thể, tránh lãng phí” – ông Trần Anh Tuấn đặt vấn đề. Trong công tác đào tạo, nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Thời gian qua, sự “chung tay” đào tạo của doanh nghiệp tuyển dụng không phải là không có, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa đạt tầm mong đợi. “Nhà trường và doanh nghiệp cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và chính sách của Nhà nước đối với học sinh theo học nhằm khuyến khích, phân luồng” – ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng từng đề cập, việc xác định chỉ tiêu đào tạo nên dựa vào nhu cầu lao động. Theo đó, cần tăng cường những cuộc khảo sát điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi.
Ngoài ra, cần thiết chú trọng nghiên cứu xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của thành phố, các ngành khoa học xã hội. Cân đối chỉ tiêu đào tạo tổng thể và chỉ tiêu đào tạo của từng trường gắn kết nhu cầu thực tế của xã hội. Hạn chế đào tạo tự phát, không đảm bảo chất lượng gây tình trạng thiếu thừa lao động và gia tăng thất nghiệp.
Bài, ảnh: Mê Tâm
TP.HCM được xem là địa phương đứng đầu cả nước về quy mô đào tạo nguồn nhân lực với 54 trường ĐH, 36 trường CĐ và CĐ nghề, 343 trường TCCN, TC nghề và hàng trăm cơ sở dạy nghề cung cấp cho xã hội trên 300 ngàn lao động mỗi năm. Đây cũng là nơi cung ứng 100% nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành nông – lâm – thủy sản, khoa học tự nhiên và y dược cho khu vực miền Đông Nam bộ. Thế nhưng thực tế, mục tiêu đào tạo giữa các trường hiện nay so với yêu cầu thực tiễn vẫn tồn tại khoảng cách khá lớn. |
Bình luận (0)