Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điều chỉnh danh mục mã ngành học mới: Nhiều băn khoăn

Tạp Chí Giáo Dục

Có ngành học vốn được coi là “thương hiệu” của trường, “hút” một lượng lớn thí sinh đăng ký nhiều năm nay, nhưng vì không có trong danh mục mã ngành mới ban hành nên buộc phải đổi tên. Đây là băn khoăn của khá nhiều trường ĐH, CĐ trong cả nước khi hàng loạt tên ngành tại nhiều trường đã phải thay đổi trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 này.
Mất tên
Từ khóa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 trở đi, sinh viên học ngành nào sẽ được cấp bằng đúng theo tên gọi ngành thi đầu vào.
Theo bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, về cơ bản, chuyện đổi tên các ngành học không ảnh hưởng quá nhiều đến chương trình học hay cấp bằng tốt nghiệp sau này. Nhưng nhà trường sẽ phải thiết kế lại một số môn học. Trước đây, để thiết kế các môn học, nhà trường tham khảo kỹ chương trình của nhiều nước trên thế giới để có khung chương trình đào tạo phù hợp nhưng nay phải thiết kế lại.
Lãnh đạo các trường cho biết nhiều ngành học vốn được coi là thế mạnh, tuyển sinh và đào tạo hàng chục năm nay nhưng chỉ vì không có trong danh mục mã ngành mới ban hành nên phải đổi tên. Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, một số ngành học có tiếng từ trên 30 năm nay như ngành điều khiển tàu biển và ngành khai thác máy tàu thủy nay phải chuyển đổi thành các chuyên ngành thuộc ngành khoa học hàng hải. Một ngành học từ trước tới nay cũng có tên gọi cụ thể như đóng tàu và công trình nổi (thiết kế thân tàu thủy) nay trở thành chuyên ngành trong ngành kỹ thuật tàu thủy. “Tên các ngành mới trong danh mục có nghĩa quá rộng, không thực sự gắn với từng ngành nghề đào tạo vốn có của trường nhưng theo yêu cầu, chúng tôi phải chuyển đổi. Việc chuyển đổi này khiến chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn” – TS. Nguyễn Văn Thư, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM nói. Ông Thư cũng cho biết từ khi trường thông báo chuyển đổi tên ngành, sinh viên liên tục đến trường thắc mắc và thể hiện lo lắng thực sự.
Bộ quản lý ngành rộng nên có lợi cho người học
Ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, việc chuyển đổi tên ngành học ở ta như một bước chuẩn bị cho người học. Bộ chỉ quản lý mã ngành dọc, sau đó giao cho các trường tùy theo chương trình đào tạo của mình sẽ có những ngành mới, ngành riêng của trường. Bộ GD-ĐT cũng linh hoạt trong quy định, cụ thể, trong quá trình chuyển đổi có khó khăn chưa thể áp dụng theo mã ngành cấp III, cấp IV thì tiếp tục cho đào tạo ngành cũ hoặc cho thí điểm ngành mới. Khi nào việc đào tạo ổn định rồi thì sẽ bổ sung vào hệ thống mã ngành thuộc hệ thống mã ngành giáo dục quốc dân. Theo ông Ga, với cách quản ngành rất rộng như vậy cũng có lợi cho người học như sinh viên sau khi học xong có nhiều cơ hội chuyển đổi ngành nghề cũng như kiếm việc làm.
Theo ông Ga khi xây dựng mã ngành rộng thế này, Bộ GD-ĐT cũng đã hỏi ý kiến các trường… Nhưng có điều là hình như các trường lúc đó chưa quan tâm đến vấn đề này lắm. Cho nên, Thủ tướng ký ban hành, bắt đầu triển khai trên thực tế, các trường mới thấy nó ảnh hưởng đến mình. Để khắc phục khó khăn, bộ đã thống nhất những ngành đặc thù thì bộ sẽ cho trường thí điểm đào tạo theo yêu cầu.
 Như vậy, nếu muốn thay đổi tên ngành vẫn còn cơ hội. Các trường vẫn có thể đề xuất nếu thấy hợp lý. Còn theo quy định mới về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ mới được Bộ GD-ĐT ban hành, các trường sẽ bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo nếu không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép đào tạo…
Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)