Thay đổi cơ cấu lớp học, giáo viên vừa dạy vừa bám sát cấu trúc đề minh họa… là những điều chỉnh ở các trường THPT tại TP.HCM từ đầu năm học nhằm giúp học sinh khối 12 đáp ứng tốt nhất yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình mới.
Thay đổi cơ cấu lớp học theo hình thức lớp học chạy
Theo thầy Nguyễn Hùng Khương (Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman, Q.1), để giúp học sinh khối 12 năm học này đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều điểm mới, từ giữa học kỳ II năm học trước, trường đã cho học sinh khối 11 đăng ký chọn 4 môn thi tốt nghiệp. Từ đó, xếp lại lớp theo nguyện vọng của học sinh, công bố danh sách lớp mới vào cuối năm lớp 11.
Trong thời gian nghỉ hè, học sinh tiếp tục suy nghĩ về 2 môn học lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, nếu có thay đổi sẽ báo với trường để điều chỉnh. Chính vì thế, việc xếp lớp đảm bảo đáp ứng 100% nguyện vọng của học sinh. Tuy vậy, để đảm bảo tất cả nguyện vọng môn học lựa chọn thì phải thực hiện xếp lớp linh động, ở một số môn học lựa chọn chắc chắn các em phải học theo hình thức lớp học chạy. “Để đảm bảo 100% nguyện vọng của học sinh được đáp ứng khi xếp lớp là một thách thức lớn cho trường, bởi điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong việc phân bổ giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu, và đảm bảo số lượng học sinh hợp lý trong mỗi lớp. Tuy nhiên, nỗ lực của trường trong việc đảm bảo quyền lợi và nguyện vọng của học sinh sẽ tạo ra một môi trường học tập tích cực, thúc đẩy động lực học tập và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT”, thầy Khương bày tỏ.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Q.8) cũng thực hiện thay đổi cơ cấu lớp học của khối 12 trong năm học này. Trong đó, bên cạnh lớp học theo đơn vị lớp, trường xếp lớp học chạy ở các môn học lựa chọn được học sinh chọn để thi tốt nghiệp THPT. Thầy Nguyễn Tấn Sĩ (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, trường cho học sinh chọn môn học lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT trong thời gian hè, căn cứ theo nhu cầu nguyện vọng của học sinh để cân đối sắp xếp các lớp học chạy. Việc thực hiện lớp học chạy hiện đang được trường tổ chức vào các buổi chiều, để vừa đảm bảo giúp trang bị kiến thức ở các môn học lựa chọn cho học sinh nhưng vẫn giúp đào sâu, nâng cao kiến thức ở những môn học mà các em lựa chọn thi tốt nghiệp THPT. “Đối với kiến thức lớp học chạy thì không dùng để đánh giá học sinh mà chỉ nhằm hỗ trợ các em đáp ứng theo yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, thầy Sĩ thông tin.
Việc thay đổi cơ cấu lớp học ở khối 12 theo hình thức lớp học chạy trong năm học này cũng là một trong những hình thức được Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích các trường THPT thực hiện, cân đối tùy theo đặc thù của trường và nguyện vọng học sinh để hỗ trợ học sinh tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Giáo viên vừa dạy vừa giúp học sinh làm quen cấu trúc đề
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Tenlơman, Q.1) cho biết, hiện nay giáo viên vừa dạy vừa cập nhật liên tục những thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT để có định hướng, điều chỉnh trong phương pháp dạy học, nhằm hỗ trợ tốt nhất học sinh. Trong quá trình dạy liên tục đánh giá mức độ thích ứng của học sinh với cấu trúc ma trận của đề thi. Căn cứ vào cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa năm 2025, giáo viên sẽ có sự định lượng, đo lường khả năng của học sinh. Để đánh giá rằng, với đơn vị kiến thức như thế, ma trận của đề đưa ra, với các dạng câu hỏi như thế, học sinh sẽ đáp ứng được bao nhiêu %.
Mặc dù vậy, theo cô Thảo, giáo viên sẽ không tạo áp lực cho học sinh bằng những bài kiểm tra quá nhiều, vì như thế vô tình sẽ tạo thêm cho học sinh nỗi bất an, thay vào đó là hướng học sinh vào từng dạng câu hỏi theo cấu trúc định dạng của đề thi, cùng các em đánh giá, thảo luận để có hướng hỗ trợ, đồng hành phù hợp nhất; ổn định tâm lý học sinh trong năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. “Điểm mới nhất của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ở môn ngữ văn là không ra vào các tác phẩm học sinh đã học trong chương trình. Tuy nhiên, định hướng này đã được Bộ GD-ĐT thống nhất rõ ràng ngay từ khi triển khai chương trình mới vào đầu năm lớp 10. Do vậy, từ khi học sinh học lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên đã tập trung trang bị cho học sinh kỹ năng nhận diện thể loại, đặt tình huống là khi đề ra một văn bản hoàn toàn mới thì làm thế nào để trả lời, đáp ứng được yêu cầu. Trong quá trình dạy, giáo viên sẽ trang bị cho học sinh nắm vững kiến thức ngữ văn để có thể nhận diện được các loại văn bản, từ đó các cách thức vận dụng dù gặp bất kỳ văn bản nào”, cô Thảo chia sẻ.
Giáo viên này cho rằng, khó khăn của giáo viên ở bộ môn ngữ văn vẫn là việc tìm kiếm nguồn ngữ liệu để đưa vào các bài kiểm tra đánh giá học sinh. Bởi ngữ liệu không chỉ phù hợp với thể loại mà còn phải đòi hỏi độ tin cậy cao và phù hợp với lứa tuổi học sinh, với quan điểm…
Thầy Phạm Lê Thanh (giáo viên môn hóa học Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11) cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng đánh giá năng lực học sinh đã đặt ra yêu cầu mới cho giáo viên dạy khối 12 trong quá trình ôn tập và giảng dạy. Để đáp ứng các yêu cầu của đề thi với 3 dạng câu hỏi trắc nghiệm: trắc nghiệm nhiều lựa chọn; đúng/sai; trả lời ngắn, giáo viên cần xây dựng lộ trình ôn tập rõ ràng và có chiến lược. Trong đó, giáo viên cần giúp học sinh nắm rõ cấu trúc đề thi để giúp các em quen với từng dạng câu hỏi; cần tập trung giảng dạy các kiến thức, kỹ năng theo đúng mục tiêu mà chương trình đặt ra, không lan man vào những nội dung vượt quá yêu cầu. Điều này giúp học sinh hiểu rõ bản chất của kiến thức mà không bị quá tải hay lạc hướng với những nội dung không cần thiết. Thay vì chỉ yêu cầu học sinh ghi nhớ lý thuyết và làm bài tập theo khuôn mẫu, giáo viên sẽ tập trung phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào thực tế thông qua các dự án học tập, thực hành thí nghiệm.
Theo thầy Thanh, việc đánh giá năng lực học sinh muốn chính xác, hiệu quả cần nhất quán với phương pháp dạy học phát triển năng lực. Điều này có nghĩa là tất cả các hoạt động dạy và học, sự tương tác của học sinh thể hiện qua từng nội dung môn học là công cụ để giáo viên đánh giá toàn diện năng lực phẩm chất. “Trong thực tế, bài kiểm tra trên giấy chỉ đánh giá được năng lực đặc thù của môn học ở phạm vi giới hạn về mặt kiến thức và hoàn toàn không thể đánh giá các năng lực chung, phẩm chất của học sinh. Năng lực chung và phẩm chất của học sinh muốn phát triển phải thông qua các hoạt động dạy học, sự tương tác của giáo viên và học sinh trong xuyên suốt quá trình học tập gắn với sự đánh giá quá trình, đánh giá sự tiến bộ của học sinh. Do vậy, việc Bộ GD-ĐT kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình (50%) và kết quả thi tốt nghiệp (50%) là phù hợp và là động lực để các đơn vị giáo dục làm tốt công tác dạy học phát triển năng lực, phẩm chất, chú trọng đánh giá quá trình theo đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, thầy Thanh nhận định.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)