Nhằm tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn cao điểm, Bộ GTVT đã phát đi công văn hỏa tốc chỉ đạo hạn chế vận chuyển hành khách đi/đến Hà Nội và TP.HCM trong vận tải đường bộ. Tương tự, hàng không chỉ được khai thác vận chuyển hành khách một số đường bay nhất định với tần suất 1 chuyến/ngày/đường bay. Riêng TP.HCM cũng đã thực hiện điều chỉnh các hoạt động giao thông cho phù hợp với tình hình địa phương.
Các tuyến cố định đi từ Hà Nội, TP.HCM và ngược lại phải đảm bảo số lượng hành khách trên 1 chuyến xe không quá 50% số ghế và không quá 20 người
Hạn chế vận chuyển hành khách đi/đến Hà Nội và TP.HCM
Nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ Hà Nội và TP.HCM đối với các địa phương, trong nội dung Công văn hỏa tốc số 2917/BGTVT-VT ngày 29-3-2020 gửi Tổng cục Đường bộ, Cục Đường sắt, Hàng hải, Đường thủy nội địa Việt Nam (VN) và sở GTVT các tỉnh thành, Bộ GTVT chỉ đạo các sở GTVT tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng trên 9 chỗ và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi/đến Hà Nội và TP.HCM từ ngày 30-3 đến hết ngày 15-4-2020. Trong trường hợp đặc biệt, các sở GTVT cần kịp thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được xem xét, giải quyết. Bộ GTVT lưu ý, đối với các tuyến cố định đi từ Hà Nội, TP.HCM và ngược lại, chỉ được vận chuyển hành khách tối đa 2 chuyến/ngày đối với các tuyến dưới 100km; đảm bảo số lượng hành khách trên 1 chuyến xe không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người. Đối với các tuyến còn lại, chỉ được vận chuyển hành khách tối đa 1 chuyến/ngày. Tuy nhiên cần đảm bảo số lượng hành khách trên 1 chuyến xe không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người. Riêng các chuyến xe không vận chuyển hành khách sẽ không bị hạn chế khai thác.
Đối với đường sắt, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường sắt VN có trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt và các doanh nghiệp vận tải đường sắt tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách địa phương cũng trong thời gian trên. Đối với tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM chỉ được khai thác tối đa 2 đôi tàu khách/ngày (2 chuyến Hà Nội đi TP.HCM và 2 chuyến ngược lại). Riêng các chuyến tàu không vận chuyển hành khách cũng sẽ không bị hạn chế khai thác. Tương tự, Cục Hàng hải VN cũng được giao trách nhiệm chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải phối hợp với cơ quan biên phòng, y tế kiểm dịch không để thuyền viên lên bờ, hạn chế tối đa việc thay đổi thuyền viên. Đồng thời phối hợp với các cảng, các công ty hoa tiêu có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hoa tiêu và công nhân xếp dỡ làm việc trên tàu. Ngoài ra, cần kết hợp với các địa phương giảm tối đa các chuyến tàu chở khách tuyến từ bờ ra đảo và có biện pháp quản lý chặt chẽ thuyền viên và hành khách đi tàu. Cục Đường thủy nội địa VN cũng sẽ phối hợp với các địa phương giảm tối đa các chuyến tàu chở khách tuyến từ bờ ra đảo và có biện pháp quản lý chặt chẽ thuyền viên và hành khách đi tàu.
Khai thác một số đường bay nhất định với tần suất 1 chuyến/ngày/đường bay
Vào chiều 29-3, Bộ GTVT ban hành Văn bản số 2915/BGTVT-VT gửi Cục Hàng không VN về việc thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu giới hạn các tuyến bay nội địa từ 0 giờ ngày 30-3 đến hết ngày 15-4 để ngăn lây nhiễm của dịch Covid-19. Cụ thể, các hãng hàng không chỉ được khai thác vận chuyển hành khách một số đường bay nhất định với tần suất 1 chuyến/ngày/đường bay, gồm đường bay Hà Nội – TP.HCM – Hà Nội; Hà Nội – Đà Nẵng/Phú Quốc – Hà Nội và TP.HCM – Đà Nẵng/Phú Quốc – Hà Nội. Văn bản cũng nêu rõ, ngoài các đường bay này, toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và TP.HCM đều phải dừng lại. Riêng các chuyến bay không vận chuyển hành khách sẽ không bị hạn chế.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Hàng không VN căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cắt giảm các chuyến bay đi/đến địa phương, để kịp thời đề xuất phương án, báo cáo Bộ GTVT xem xét quyết định. Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng không VN chỉ đạo các cảng vụ trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương rà soát việc cách ly tổ bay nước ngoài, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch tuân thủ các quy trình, quy định về phòng chống dịch lây lan của Bộ Y tế. Đồng thời cần giám sát, yêu cầu các hãng hàng không đảm bảo hành khách trước khi lên tàu bay phải thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc. Trong trường hợp đặc biệt phát sinh nhu cầu vận chuyển hành khách từ các cảng hàng không địa phương đến Hà Nội và TP.HCM và ngược lại, các hãng hàng không cần đề nghị Cục Hàng không VN xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.
TP.HCM tăng cường điều chỉnh các hoạt động giao thông
Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở GTVT TP đã thực hiện điều chỉnh các hoạt động giao thông trên toàn địa bàn từ ngày 28-3 đến ngày 15-4-2020. Cụ thể, đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT quyết định tạm ngưng hoạt động 54 tuyến xe buýt. Trong đó có 27 tuyến xe buýt không trợ giá kết nối đến các tỉnh liền kề (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu); 9 tuyến xe buýt không trợ giá nội tỉnh và 18 tuyến xe buýt có trợ giá có nhu cầu khách đi lại thấp.
Đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, Sở GTVT TP yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải giảm 60% số chuyến theo biểu đồ chạy xe trên tất cả các tuyến vận tải khách cố định từ TP.HCM đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, phải tạm dừng tuyến cố định kết nối với các huyện biên giới thuộc tỉnh Long An theo Thông báo số 1269/TB-SGTVT ngày 27-3-2020 của Sở GTVT tỉnh Long An. Tất cả các chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 người/chuyến. Theo đó, hành khách buộc phải đeo khẩu trang, ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Tương tự, đối với hoạt động vận tải khách theo hình thức hợp đồng, du lịch, xe trung chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải phải vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 người/chuyến (riêng xe trung chuyển và xe 16 chỗ vận chuyển tối đa không quá 8 người/chuyến).
Đối với hoạt động vận tải khách bằng taxi và xe ô tô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của Bộ GTVT. Đối với 2 loại hình hoạt động vận tải theo hợp đồng và xe taxi, hành khách đều buộc phải khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định. Người điều khiển phương tiện có quyền từ chối vận chuyển đối với những hành khách không chấp hành theo quy định chung. Tương tự, đối với hoạt động vận tải khách đường thủy, Sở GTVT TP yêu cầu chủ cảng, bến, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường thủy không được tăng giá vé. Bên cạnh đó, thuyền trưởng, nhân viên phục vụ bến chú trọng công tác điều phối, hướng dẫn vừa đủ lượng người, xe xuống phương tiện thủy, nhằm đảm bảo phương tiện không chở quá sức chứa 50% và không quá 20 khách. Đặc biệt nhân viên phục vụ cần hướng dẫn, nhắc nhở hành khách giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2 mét, thực hiện việc khai báo y tế và kiên quyết từ chối vận chuyển hành khách khi không đeo khẩu trang và khai báo y tế theo quy định.
Đinh Đàm
Bình luận (0)