TP.HCM đang thực hiện lấy ý kiến về việc điều chỉnh học phí từ năm học 2022-2023 trong Dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Điều chỉnh mức học phí là cần thiết song phải được tính toán về mức thu và có lộ trình phù hợp
Nhiều ý kiến ủng hộ, đồng thuận với việc TP.HCM điều chỉnh mức học phí song cho rằng cần có lộ trình hợp lý, quan tâm sâu đến đối tượng học sinh nghèo, học sinh khó khăn, học sinh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Cần thiết tăng học phí song nên cân nhắc mức tăng
Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Thủ Đức cho biết, hàng năm trường có khoảng 70% học sinh thuộc diện khó khăn cần được hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế, học phí, tiền ăn bán trú…
Tuy nhiên, số học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định để được hưởng các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập chỉ khoảng 30%, còn lại 40% là con em người lao động có thu nhập thấp, phụ huynh là người lao động ngoại tỉnh.
Để hỗ trợ học sinh an tâm học tập, theo hiệu trưởng này mỗi năm trường đều vận động mọi nguồn xã hội hóa để trao tặng học bổng, trao tặng sách giáo khoa, dụng cụ học tập, đồng phục, thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí cho các em cũng với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng.
“Nếu mức học phí đột ngột tăng từ 60.000 đồng/tháng/học sinh lên mức 300.000 đồng/tháng/học sinh thì đối tượng chịu ảnh hưởng trước hết sẽ là những học sinh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt 2 năm qua, đối tượng học sinh khó khăn này tại trường đang có xu hướng gia tăng…”, hiệu trưởng này băn khoăn.
Căn cứ thực tế tại trường và mức thu học phí hiện nay, hiệu trưởng này cho rằng cần thiết phải tăng học phí thế nhưng lộ trình tăng nên được tính toán lại, tránh tăng “ồ ạt cao” để phù hợp hơn với điều kiện TP.HCM, tránh làm tác động quá lớn đến đời sống của một bộ phận người dân, đảm bảo quyền lợi học tập cao nhất cho học sinh.
Từng là lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai chia sẻ, ông rất ủng hộ việc tăng học phí bởi thực tế nhiều năm qua đầu tư của Nhà nước với giáo dục dù đã rất được quan tâm song vẫn chưa thể đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục mà cần phải có sự chung tay, chia sẻ hơn nữa của cả người học, nhất là khi giáo dục đang trong guồng quay đổi mới.
Dù vậy, bàn về câu chuyện điều chỉnh mức học phí nêu ra trong dự thảo nghị quyết mới đây của Sở GD-ĐT đang được lấy ý kiến rộng rãi, ông cho rằng về cơ sở pháp lý theo quy định của Chính phủ, theo Luật Giáo dục 2019 thì mức học phí nêu ra trong dự thảo là hoàn toàn đúng, phù hợp thế nhưng với việc điều chỉnh học phí một cách đột ngột như vậy chắc chắn sẽ tác động “cực kỳ lớn” đến một bộ phận lớn học sinh, đặc biệt trong thời điểm bối cảnh TP.HCM hiện nay. Do đó, cần phải được tính toán lộ trình và có bước đi hợp lý hơn.
Nguyên lãnh đạo Sở GD-ĐT phân tích, suốt 6 năm qua, TP.HCM giữ học phí mức ổn định dù Chính phủ cho phép tăng là điều hết sức ghi nhận. Hiện nay, TP mới hồi phục sau dịch Covid-19, một bộ phận lớn đời sống của người dân vẫn chưa thực sự ổn định. Không những thế, giá cả đang có chiều hướng tăng, nhất là giá xăng tăng cao gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống người dân.
“Nếu học phí tăng cao như trong dự thảo nghị quyết thì sẽ khiến một bộ phận lớn người dân rơi vào khó khăn, thêm nữa giá sách giáo khoa trong năm học mới cũng tăng cao. Như vậy, khi điều chỉnh mức học phí ngành giáo dục cần có lộ trình cụ thể, phù hợp. Có thể tính toán nhu cầu dạy và học so với yêu cầu tối thiểu cần có để đạt được kết quả dạy học và xây dựng lộ trình về học phí. Tất nhiên sẽ chưa thể đáp ứng ngay được mà có thể phải xây dựng khung trong vòng 5 năm. Ngoài ra cũng phải làm rõ hơn nữa phần học phí tăng thêm sẽ dự kiến chi bao nhiêu phần trăm cho các hoạt động giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị nói chung và đổi mới giáo dục; bao nhiêu phần trăm sẽ được dùng để chăm lo đời sống để giáo viên an tâm công tác”, ông Nguyễn Văn Ngai nhận định.
Sẽ quan tâm sâu đến đối tượng học sinh khó khăn
Theo Dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ được Sở GD-ĐT TP.HCM lấy ý kiến nêu rõ: Năm học 2022-2023, mức học phí sẽ đến 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với học sinh 16 quận và TP.Thủ Đức. Riêng học sinh ở 5 huyện còn lại được đề xuất mức thu học phí từ 100.000-240.000 đồng/học sinh/tháng. Học sinh tiểu học không thu học phí. Từ năm học 2023-2024 trở đi, mức học phí tăng không quá 7,5%/năm.
Lý giải về việc điều chỉnh mức thu học phí trong dự thảo nghị quyết, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết, TP.HCM thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Quy định khung học phí năm học 2022-2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hiện tại quy định mức sàn thu học phí đối với các địa bàn dân cư nông thôn và thành thị tương đương với nhóm 2 và nhóm 1 là 100.000 đến 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với tất cả các bậc học. Đồng thời mức học phí dự kiến hạn chế thấp nhất mức chênh lệch tăng tuyệt đối so với mức thu của năm học 2021-2022.
Như vậy, mức thu nêu ra trong dự thảo không cao hơn và cũng không thấp hơn quy định. Khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học, việc thu học phí góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, khuyến khích và luôn tạo điều kiện cho học sinh thuộc các diện chính sách có điều kiện được đi học, tạo được đồng thuận của các tầng lớp xã hội. Ngoài ra, cũng góp phần với ngân sách Nhà nước nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh, bên cạnh đó còn có tác động đến điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở nơi còn khó khăn, thực hiện tốt tính công bằng trong hệ thống giáo dục.
“Hàng năm tỷ lệ đầu tư ngân sách chi thường xuyên hằng năm của TP.HCM hơn 20% nhưng vẫn chỉ đảm bảo cơ bản chế độ cho đội ngũ, tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, đòi hỏi phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập hiện nay. Trong tình hình dịch bệnh, việc đề xuất tăng học phí là hết sức nhạy cảm và TP đã rất cân nhắc, tính toán để đề xuất mức thu trên – theo đúng mức sàn học phí theo quy định”, ông Lê Hoài Nam chia sẻ.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí đến người học, lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định, khi điều chỉnh học phí sẽ đi cùng với các chính sách miễn giảm, hỗ trợ học phí cho học sinh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, diện chính sách, học sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19… đảm bảo chăm lo tốt nhất và đảm bảo quyền lợi học tập của mọi học sinh.
Giang Quân
Bình luận (0)