Tiết dạy bài Chí Phèo tại lớp 11A9 của cô Nguyễn Thị Hồng Lan |
Hiện nay sử dụng phương tiện hiện đại trong dạy học đang là một yêu cầu tất yếu đối với giáo viên (GV) trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, nếu GV lạm dụng công cụ này thì sẽ dẫn đến tình trạng là dạy nhìn – chép. Do đó, nếu GV biết cân đối và lượng đúng sức thì mới có những tiết dạy thành công.
Vừa qua, chúng tôi đã được dự một tiết thao giảng ở lớp 11A9, Trường THPT Thanh Đa về tác phẩm Chí Phèo do cô Nguyễn Thị Hồng Lan đứng lớp. Đã có rất nhiều tư liệu về cuộc đời nhà văn Nam Cao, đặc biệt là đã có những vở kịch và phim được xây dựng từ tác phẩm có giá trị này. Thế nhưng để cho học sinh (HS) hiểu sâu hơn tác phẩm bằng con đường văn chương lại là một đòi hỏi khác mà nếu không cố gắng thì GV khó có thể đạt được mục đích cuối cùng.
Không chỉ phân tích
Ở phần tìm hiểu chung, ngoài việc nêu xuất xứ và tóm tắt tác phẩm, GV đã sáng tạo khi hướng dẫn các nhóm tìm hiểu 3 nhan đề của tác phẩm (Cái lò gạch cũ, Đôi lứa xứng đôi, Chí Phèo) khi đến với chủ đề của truyện ngắn. Một bức ảnh chân dung Nam Cao, một đoạn phim trong Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa mà GV vừa giới thiệu lên máy chiếu đã cung cấp thêm kiến thức cho HS khi tìm hiểu về tiểu sử và cuộc đời tác giả. Khi câu hỏi GV đưa ra: “Nhân vật nào đại diện cho giai cấp thống trị? Nhân vật nào đại diện cho giai cấp bị trị?”, HS đã bắt đầu xác định được nhân vật chính của câu chuyện. Đó cũng là cách cho các em xác định công việc mà mình phải làm sau đó. Với Bá Kiến, chỉ cần phân tích vẻ ngoài, tâm địa bên trong là nhân vật đã thể hiện được nét điển hình cho bọn cường hào, địa chủ ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Nhưng bài giảng sẽ không được “nâng lên một tầm cao” hơn khi GV chỉ biết dừng lại ở đó. Cái cốt lõi ở đây là: Bá Kiến chính là “thủ phạm đã tước đi quyền làm người của Chí Phèo, biến Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.
Mặc dù Chí Phèo là nhân vật trung tâm của tác phẩm nhưng do thời lượng có hạn nên GV không thể dừng lại phân tích lâu được. Do đó, nếu không được “ưu tiên” trong khi mổ xẻ tác phẩm thì người dạy không nói hộ được ý đồ của nhà văn cho HS biết. Đây là mâu thuẫn thường gặp trong khi đứng lớp mà GV phải biết giải quyết khéo léo. Vì thế, nếu trước đó GV phân tích nhân vật Bá Kiến theo cách “mổ ngang” thì nhân vật Chí Phèo lại được “mổ dọc” qua cách phân tích theo hệ thống đề mục: tiếng chửi đầu tác phẩm, cuộc đời trước khi vào tù, sau khi ra tù và khi gặp Thị Nở. Chính cách “mổ dọc” này đã hiện lên một Chí Phèo côn đồ hung hãn khác xa với con người lương thiện, hiền lành trước đó. Giá trị tố cáo càng được hiện rõ hơn khi GV chỉ rõ: “Nhà tù thực dân phong kiến đã sinh ra một Chí Phèo hoàn toàn khác từ diện mạo đến bản chất”. Bi kịch tha hóa của người nông dân là nét mới mẻ nhất của Nam Cao khi viết về người nông dân. Ngay ở phần gặp Thị Nở cũng vậy. GV không chỉ biết phân tích tâm trạng của Chí Phèo khi tỉnh dậy hay khi nhận bát cháo hành mà điều quan trọng hơn là phải nâng cao được ý: “Nhà văn đã phát hiện và khẳng định nhân phẩm đẹp đẽ của người nông dân ngay cả khi họ bị cướp đi bộ mặt người, linh hồn người”.
Nếu các phần trên khi phân tích, GV chỉ nêu những câu hỏi mang tính phát hiện thì ở phần “điểm sáng” này của tác phẩm, cô Hồng Lan đã chọn lọc một hệ thống câu hỏi mang tính suy luận có giá trị “đào sâu” hơn: Ý nghĩa của bát cháo hành đối với Chí Phèo ra sao? Những giọt nước mắt của Chí Phèo có ý nghĩa như thế nào? Ý nghĩa ba câu nói của Chí Phèo khi đứng trước Bá Kiến? Kết thúc tác phẩm có hai cái chết. Ở đây GV cũng đã hướng cho các nhóm tìm được ý nghĩa sâu xa của kết cục bi thảm và tất yếu đó: Nếu cái chết của Bá Kiến là sự trả giá cho những tội lỗi bất nhân thì cái chết của Chí Phèo là sự cùng đường của con người bị chối từ quyền làm người ngay trong xã hội người. Chí Phèo chết để khẳng định quyền được làm người lương thiện.
… mà phải giúp HS nhận xét, đánh giá
Xen giữa các ý GV phân tích, trên màn hình xuất hiện thêm một số đoạn phim khi Chí Phèo gặp Thị Nở, mối tình giữa hai người, cảnh Chí Phèo đến nhà Bá Kiến… đã giúp HS khắc sâu hơn kiến thức bằng con đường trực quan từ hình ảnh.
Đây là tiết dạy có nhiều GV từ các trường THPT trong cụm về dự nên mỗi người đưa ra một ý kiến khác nhau. Trong khi cô Lê Kim Mai – GV Trường THPT Võ Thị Sáu tâm đắc với cách dẫn dắt HS vào bài một cách tự nhiên, thì cô Nguyễn Thị Oanh – Trường THPT Phan Đăng Lưu lại đánh giá cao giọng giảng truyền cảm của GV, không cần ghi nhiều mà vẫn cô đọng kiến thức. Ông Trần Tiến Thành – chuyên viên bộ môn ngữ văn (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã đánh giá cao chất lượng giờ dạy và cả khâu chuẩn bị ở nhà khi GV thực hiện tiết dạy theo phương pháp đổi mới. Sự chăm chút kỹ lưỡng không chỉ ở tư liệu sưu tầm được minh họa trên máy chiếu mà còn thể hiện cả trong hệ thống câu hỏi, lời bình lời giảng trau chuốt mà vẫn dễ hiểu. Nhưng, theo ông Thành, bài giảng vẫn chưa xoáy sâu được vào giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Vì đó chính là điều đọng lại cho HS sau khi bài học đã qua đi.
Nguyễn Hoàng Anh
Chí Phèo là nhân vật trung tâm của tác phẩm nhưng do thời lượng có hạn nên GV không thể dừng lại phân tích lâu được. Nếu không được “ưu tiên” trong khi mổ xẻ tác phẩm thì người dạy không nói hộ được ý đồ của nhà văn cho HS biết. |
Bình luận (0)