Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Điều em muốn nói: “Muôn nẻo” bạo lực học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, bạo lực học đường được phản ánh thường xuyên trên các phương tiện thông tin truyền thông làm đau lòng nhiều người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này…

Bạo lực mang tên “cô lập”

Tôi là học sinh (HS) lớp 11 của một trường THPT chuyên ở Hà Nội. Nơi tôi học hiếm khi xảy ra những vụ cãi cọ, ẩu đả giữa HS với nhau và chúng tôi cũng ít khi để ý đến cụm từ “bạo lực học đường”. Nhưng gần đây xảy ra trường hợp một HS nam lớp 11 đã tự tử vì bị bạn bè cùng lớp, cùng trường cô lập. Lý do bạn bị cô lập chỉ vì được chuyển đến từ một trường THPT khác. Quá trình bị bạn bè tẩy chay, cô lập đã khiến bạn bị trầm cảm kéo dài và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. 

Theo tôi hiểu, bạo lực học đường bao gồm các hành vi bắt nạt, xúc phạm, ẩu đả… xảy ra trong trường học. Tình trạng cô lập bạn bè chỉ vì không thích bạn đó đã xảy ra không ít ở các trường THPT hiện nay. Tôi cho rằng đây cũng là một loại bạo lực học đường vì sự cô lập ấy đã dẫn đến những hậu quả nặng nề. Chính thái độ lạnh nhạt, “quay lưng”, không giao tiếp của bạn bè đã đẩy nạn nhân tới hành vi tự sát.

Do áp lực học tập nặng nên HS rất cần các sân chơi để giải trí, giao lưu với bạn bè. Ảnh: N.Anh

Ai cũng biết, với mỗi HS thì mối quan hệ với bạn bè và thầy cô là vô cùng quan trọng. Không có bạn chơi cùng, hoặc bị từ chối học cùng, chơi cùng chắc chắn sẽ khiến chúng tôi căng thẳng, cô đơn, buồn bã, dẫn đến học hành sa sút, không muốn đến trường. Và theo nghĩa này thì hành vi cô lập người khác cũng chính là một dạng bạo lực học đường. 

Nguyên nhân và những  “điều ước”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường. Tuy nhiên, theo tôi, có những nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, do sự quản lý, giáo dục HS của một số nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm chưa chặt chẽ, chưa tới nơi tới chốn. Họ chỉ làm việc theo trách nhiệm được phân công mà thiếu sự quan tâm, gần gũi với học trò. Họ thờ ơ với những hành vi xấu, những lời nói, ứng xử chưa đúng mực của HS và không có những uốn nắn, chỉnh sửa kịp thời. Nhà trường quá thiên về dạy kiến thức mà quên mất việc dạy cho HS kỹ năng giao tiếp, ứng xử… Thứ hai, nhà trường và thầy cô giáo chưa thực sự là tấm gương sáng cho HS noi theo về các hành vi ứng xử trong trường học. Nhà trường còn chạy theo thành tích, nhiều thầy cô giáo chưa đầu tư đúng mức trong việc chăm lo dạy dỗ HS. Thứ ba, nhà trường và gia đình chưa có sự phối hợp chặt chẽ. Dường như họ chỉ trao đổi với nhau về điểm số của HS. Phụ huynh thường lấy điểm số của con ở trường làm cơ sở đánh giá con có ngoan ngoãn và học giỏi không. Thứ tư, môi trường xã hội (bên ngoài trường học và gia đình) cũng có ảnh hưởng xấu đến các hành vi ứng xử của HS. Cụ thể, HS không có không gian cho bản thân, không có chỗ để tụ họp giải trí. Chính vì vậy mà không ít bạn đã tìm đến mạng internet như một người bạn thân thiết nhất. Thứ năm, do HS thiếu kỹ năng sống, mức độ hiểu biết về bạo lực học đường, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên vô tình phạm sai lầm. Ví dụ: Có bạn xúc phạm danh dự người khác nhưng lại cho rằng vì họ đáng bị như vậy. Mặt khác, những nạn nhân của bạo lực học đường lại không biết cách phòng tránh hay tự bảo vệ mình.

Muốn đẩy lùi bạo lực học đường, theo tôi, nhà trường, gia đình và xã hội đừng quá coi nặng kết quả học tập. Hãy giúp HS phát triển nhân cách, chứ đừng chăm chăm “soi” vào điểm số hay thứ hạng. Áp lực học hành rất nặng nề, HS cần sân chơi, cần được dạy về cách giao tiếp, ứng xử, cần sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý học đường. Ước sao những bài giảng về đạo đức và pháp luật gần gũi và sinh động hơn. Và ước sao, các bậc phụ huynh hãy gần gũi và hiểu con cái thêm một chút, thay vì áp đặt thì hãy động viên, khích lệ để con cái không cảm thấy đơn độc, lúng túng khi gặp những tình huống dễ dẫn đến sai lầm.

Hoàng Thảo Nguyên

Hãy giúp HS phát triển nhân cách, chứ đừng chăm chăm “soi” vào điểm số hay thứ hạng.

 

Bình luận (0)