LTS: Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết thứ hai của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới) bàn thêm về việc dạy học môn ngữ văn (số báo trước ông có bài viết phân tích rất kỹ vấn đề dạy ngữ văn là dạy cái gì và để làm gì?)
Mục tiêu chính của môn ngữ văn ở lớp đầu cấp tiểu học là dạy học sinh biết đọc và viết. Biết đọc là nhìn vào chữ mà đọc được thành tiếng; biết viết là nghe đọc tiếng mà viết ra được chữ. Học sinh đầu cấp tiểu học có thể đọc và viết chưa đúng, nhất là gặp các từ, chữ khó. Với yêu cầu ấy, hầu như tất cả các cháu đều có thể đạt được, dù dạy theo sách nào cũng thế thôi (trừ các cháu quá yếu, nhưng số này không nhiều). Vấn đề chỉ là dạy cách nào thì thuận tiện và đơn giản, đỡ tốn kém, đỡ gây phiền phức cho giáo viên và phụ huynh; còn học sinh thì dạy thế nào các cháu học thế ấy và cũng sẽ đều biết đọc, biết viết thôi.
Dạy đọc và viết mang tính kỹ thuật như trên chỉ là bước đầu. Yêu cầu tiếp theo và gần như đồng thời là hiểu. Trước hết là hiểu nghĩa của từ, sau đó là cụm từ, câu, đoạn rồi đến bài. Đọc mà không hiểu thì đọc làm gì? Viết cũng thế, viết ra chữ mà không biết nghĩa thì viết làm gì? Cho nên biết đọc-viết chỉ có ý nghĩa, tác dụng và giá trị khi hiểu được những gì mình đã viết và đọc.
Hiểu mới khó. Để biết đọc thành tiếng, viết thành chữ chỉ cần 1 năm (lớp 1), còn để hiểu không biết thế nào là đủ, phải học cả đời. Bằng chứng là ra công tác rồi, nhiều bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ta đọc vanh vách mà vẫn không hiểu, hiểu sai hoặc không hiểu hết. Các câu thơ: “Vì nghe nương tử trong câu hát/ Đã chết đêm rằm theo nước xanh” (Xuân Diệu) hoặc “Trên cành khô/ Chim quạ đậu/ Chiều thu” (Bahso), học sinh lớp 1 cũng đọc thành tiếng được. Nhưng các câu thơ ấy nói gì? Nghĩa là thế nào? Tác giả gửi gắm ý tưởng gì?… thì ngay cả những người học cao, biết rộng, bạc tóc rồi cũng không dám nói là mình hiểu hết, hiểu đúng nhất. Nhiều tác phẩm được giải Nobel nhưng ta đọc không thấy hay, không hiểu gì là thế.
Viết đúng chữ cũng chỉ là bước đầu, biết viết không phải chỉ là đúng chính tả. Phải viết thành câu, thành đoạn, thành bài; phải hiểu những điều mình viết ra và người khác đọc những gì mình viết phải hiểu được, hiểu đúng ý mình. Viết phải có nội dung, ý tưởng; mà ý tưởng ấy đúng, hay và độc đáo mới khó. Rồi lại phải diễn đạt và thể hiện bằng một hình thức (câu, chữ, hình ảnh, bố cục, kết cấu…) phù hợp và có tính nghệ thuật càng khó hơn. Vì thế viết cũng phải học suốt đời. Thành nhà văn hay thầy dạy viết rồi, vẫn phải học viết thường xuyên nếu không muốn mình lạc hậu.
Nếu đồng ý thế thì đừng mất nhiều công sức vào việc cãi nhau nên đọc thế nào về mấy chữ c, k, q ấy. Trước đây chưa có sách Tiếng Việt 1 công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại, các thế hệ học sinh vẫn đọc tốt, viết tốt đấy thôi. Có sách Tiếng Việt 1 công nghệ rồi thì sách ấy cũng chỉ là một cách trong các cách dạy đọc và viết. Dạy theo cách nào phù hợp thì hãy để cho giáo viên và phụ huynh lựa chọn. Nên dồn sức mà nghiên cứu và tìm ra phương pháp dạy để học sinh biết cách hiểu, cách viết sao cho đúng và hay, sáng tạo và hiệu quả. Đó mới là chuyện đáng nghĩ, đáng bàn trong dạy học ngữ văn.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)