Sữa đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao, dễ hấp thu và tiêu hóa. Ngoài tác dụng điều hòa nội tiết tố, cải thiện khả năng miễn dịch, sữa đậu nành còn giúp ổn định một số bệnh như mỡ máu, tiểu đường và cải thiện chức năng não bộ.
Lưu ý khi uống sữa đậu nành
Với nhiều công dụng như vậy cho sức khỏe, sữa đậu nành là thức uống quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày và được nhiều người ưu tiên lựa chọn cho bữa sáng. Tuy nhiên, uống nhiều sữa đậu nành trong ngày có thực sự tốt và nên uống bao nhiêu là đủ?
Không nên uống quá 500 ml sữa đậu nành mỗi ngày để tốt cho sức khỏe.
Uống nhiều sữa đậu nành có hại gì?
Gây đầy bụng, khó tiêu
Sữa đậu nành giàu protein, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến tình trạng nạp quá nhiều protein, gây khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy và các triệu chứng khác. Bản thân sữa đậu nành có tính lạnh nên người bị khó tiêu, ợ hơi chỉ nên uống một lượng nhỏ. Ngoài ra, sữa đậu nành có thể sinh ra khí dưới tác dụng của enzym nên không tốt cho những người bị đầy bụng, tiêu chảy.
Tăng gánh nặng cho thận
Do sữa đậu nành giàu protein nên nếu tiêu thụ quá nhiều một lúc, việc chuyển hóa các chất trong sữa sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, đặc biệt đối với một số người có chức năng thận kém.
Dễ tăng cân
Thông thường, sữa đậu nành có chứa nhiều xơ, lợi tiểu và chất isoflavone trong sữa có tác dụng giảm cân. Tuy nhiên, do sữa đậu nành có hàm lượng calo tương đối cao, uống nhiều lại khiến bạn bị tăng cân. Nhìn chung, chỉ nên uống 100 ml hoặc 200 ml sữa đậu nành mỗi lần và khoảng 500 ml mỗi ngày.
Có thể ảnh hưởng đến tác dụng của estrogen trong cơ thể
Sữa đậu nành chứa một lượng nhỏ phytoestrogen. Chất này có cấu trúc phân tử tương tự như estrogen và cũng có thể liên kết với các thụ thể estrogen. Nếu uống quá nhiều sữa đậu nành, phytoestrogen trong sữa đậu nành sẽ cản trở sự kết hợp bình thường giữa estrogen sinh lý và thụ thể estrogen, từ đó ức chế estrogen.
Nên uống bao nhiêu sữa đậu nành mỗi ngày?
Sữa đậu nành tuy rất tốt nhưng cần kiểm soát lượng, nếu uống quá nhiều một lúc sẽ phản tác dụng. Nói chung, người trưởng thành nên uống tối đa 500 ml sữa đậu nành mỗi ngày. Trẻ trên một tuổi có thể uống sữa đậu nành nhưng không nên quá 200-230 ml mỗi ngày.
Người bệnh sỏi thận hay suy thận không nên uống sữa đậu nành.
Ai không nên uống sữa đậu nành?
Bệnh nhân viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mãn tính không nên ăn các sản phẩm từ đậu nành để tránh kích thích tiết axit dạ dày quá mức, khiến bệnh nặng thêm hoặc gây đầy hơi. Đậu nành chứa một lượng nhất định oligosaccharide (một polymer saccharide có chứa một số lượng nhỏ đường đơn), có thể gây ợ hơi, tăng nhu động ruột, chướng bụng, không tốt cho người bị viêm loét dạ dày.
Các sản phẩm từ đậu nành giàu protein, vì thế thận sẽ phải làm việc nhiều để chuyển hóa những chất có trong sữa. Ngoài ra, hàm lượng oxalat trong đậu có thể kết hợp với canxi trong thận, dễ hình thành sỏi và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh sỏi thận. Do đó, người bệnh sỏi thận hay suy thận cũng không nên uống sữa đậu nành.
Đậu nành giàu purin, một hợp chất hóa học được tìm thấy nhiều trong hải sản và nội tạng động vật, không tốt cho người đang mắc bệnh gout.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)