Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Điều hành giá xăng dầu sát diễn biến thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ rút ngắn từ 15 ngày còn 10 ngày giúp tránh tăng sốc và giảm chậm so với biến động thế giới…
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP (Nghị định 95) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ 2-1-2022. Nghị định này được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công Thương chuẩn bị trong thời gian khá dài, với nhiều vòng xin ý kiến, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành.
Thay đổi cách tính giá cơ sở
Không bỏ quỹ bình ổn, 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần, thay đổi cách tính giá cơ sở (mức giá để nhà điều hành làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước) là những điểm đáng chú ý tại Nghị định 95.
Điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi so với hiện nay
Trước tiên, nghị định mới đã thay cách tính giá cơ sở. Cụ thể, công thức tính giá cơ sở mới sẽ gồm cả tỉ trọng nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu. Điều này có nghĩa giá cơ sở sẽ phụ thuộc vào giá và tỉ lệ nguồn sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào gồm: giá thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG), chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận kinh doanh định mức, thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng…) và bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.
Còn giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng Premium (khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác. Riêng xăng sinh học (E5, E10…) được tính thêm tỉ lệ % theo thể tích xăng không chì, tỉ lệ % theo thể tích của ethanol được nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước theo tỉ lệ nhất định.
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết xuất phát từ thực tế cơ cấu nguồn cung xăng dầu trong nước (chiếm 70%-75% thị phần), việc đưa ra công thức mới tính giá cơ sở xăng dầu được xác định từ cơ cấu tỉ trọng gồm cả nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây là phù hợp, phản ánh đúng thực tế hiện nay.
Theo phân tích của ông Ngô Trí Long, cách tính mới tuy đã tách được 2 nguồn nhưng nguyên tắc tính giá cơ sở cơ bản không có thay đổi. Bởi hiện nay, thực tế giá bán của các nước được điều chỉnh phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, đây là thông lệ chung của quốc tế trong thời gian qua, thực hiện trên nguyên tắc cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các đơn vị mua hàng từ các nhà máy trong nước được lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn phải tính phụ phí thêm 10% đối với xăng. Vì thế, giá mua trong nước và nhập khẩu không chênh nhau nhiều. Việc thay đổi cách tính giá cơ sở chỉ phản ánh đúng thực tế tỉ trọng nguồn xăng dầu trong nước và nhập khẩu, còn giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng vẫn có sự chênh lệch đáng kể so với giá xăng dầu thế giới do tỉ lệ thuế, phí trong công thức giá vẫn lớn.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính – cũng đánh giá công thức tính giá cơ sở xăng dầu mới theo nghị định là hợp lý về cơ cấu nguồn. Bởi, sản xuất xăng dầu trong nước đã chiếm hơn 70% nên tính theo công thức cũ đã không còn phù hợp. Vị chuyên gia cho rằng về cơ bản, sản xuất trong nước sẽ có giá thành cơ sở rẻ hơn so với nhập khẩu. Sau đó, khi tính giá bình quân của hai nguồn này thì giá xăng dầu sẽ giảm đi so với giá nhập khẩu trước đây và sự phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới cũng giảm đi rất nhiều.
Tránh độ trễ trong điều hành giá
Về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu, nghị định nêu rõ thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng. Như vậy, các kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ cách nhau 10 ngày, thay vì 15 ngày như hiện nay. Cũng theo nghị định, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), với thời gian điều hành 10 ngày như nghị định vừa ban hành, giá xăng dầu trong nước sẽ bám sát hơn diễn biến của giá thế giới, giúp tránh tăng sốc và giảm chậm so với biến động của giá thế giới. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình khi cho rằng phương án điều chỉnh giá xăng dầu 10 ngày một lần để tiệm cận với xu hướng biến động của thị trường thế giới. Về dài hạn, cần nghiên cứu rút ngắn hơn nữa chu kỳ điều hành giá. Đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng khá lạc quan trước việc rút ngắn tần suất điều chỉnh còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng gần giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
Là chuyên gia đã nhiều lần đề cập đến vấn đề rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành giá xăng dầu, ông Ngô Trí Long cho hay thời gian vừa qua, có những lúc giá xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động liên tục với biên độ lớn, trong khi đó giá trong nước không được điều chỉnh kịp thời. Do đó, việc rút ngắn sẽ khắc phục những hạn chế như hiện nay. Theo ông, 3 thời điểm trong tháng là ngày 1, 11 và 21 cũng phù hợp với chu kỳ lấy giá trong tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng tháng và thuận lợi hơn trong việc tổng hợp các dữ liệu tính giá từ báo cáo của các doanh nghiệp.
Giữ quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu
Đối với Quỹ BOG, dù đã có những ý kiến đề xuất bỏ nhưng Nghị định 95 vẫn duy trì và bổ sung quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn cơ chế báo cáo, theo dõi (số dư tài khoản Quỹ BOG tại ngân hàng), trách nhiệm công bố công khai số dư Quỹ BOG. Một chuyên gia kinh tế đồng tình với việc giữ lại Quỹ BOG thì cho rằng nếu không có quỹ này, khi giá thế giới có biến động mạnh, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng cao, gây áp lực rất lớn lên lạm phát. Minh chứng như thời gian vừa qua sau giãn cách xã hội, giá xăng dầu tăng mạnh, quỹ này liên tục "xả" để kìm mức tăng giá xăng dầu trong nước.

 

MINH PHONG (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)