Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Diệu Hương sẽ không bao giờ thanh minh về điều tiếng…

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đang làm việc cho một công ty tài chính nước ngoài, lý do gì khiến Diệu Hương quyết định trở thành một giảng viên Đại học? (Hiện tại, Diệu Hương là giảng viên khoa Sân khấu- ĐH Sân khấu Điện ảnh).

Đôi nét về Diệu Hương

Sinh năm 1985

Một số vai diễn đã tham gia trong các phim: Cánh gió đầu đông (vai diễn đầu tiên của Diệu Hương); Lời thề cỏ non, Tiếng sáo Sa Pa, Cổng trường thời mở cửa, Luật đời, Hậu hoạ, Đất thiêng…

Tuy nhiên phải đến phim Luật đời của đạo diễn Mai Hồng Phong – Hoàng Nhung (vai Kiều Linh) và Cổng trường thời mở cửa của đạo diễn Triệu Tuấn (vai Hương) thì cái tên của Diệu Hương mới được khán giả và báo chí chú ý thực sự. 

Tôi may mắn đỗ thủ khoa khi thi vào trường nhưng chưa dám mơ ước sẽ được giữ lại trường làm giảng viên. Tôi có những người thầy thực sự tâm huyết với nghề, tâm huyết với học sinh. Có nhiều lý do, nhiều duyên nợ để tôi được trở thành một cô giáo như bây giờ. Đó không hề là sở thích nhất thời, đó là một quá trình dài nhiều suy nghĩ, cân nhắc.

Khi còn là sinh viên, tôi mải mê đi đóng phim, mải mê làm việc cho công ty tài chính nước ngoài, có thời gian bị cuốn theo cuộc đua mới mẻ ấy, tôi ít đi học hơn, thỉnh thoảng mặc đồ công sở, xách laptop đến giảng đường. Thầy chủ nhiệm nhìn thấy vậy, bảo tôi “Nhìn thấy em như thế này, tôi sợ quá. Tôi sợ bộ đồ công sở của em, sợ chiếc laptop của em. Tôi đã hy vọng nhiều ở em, và cũng đã thấy thất vọng…”.

Tuổi trẻ hiếu thắng, tôi đã muốn làm gì thường làm cho bằng được. Có những thất bại khiến tôi trượt ngã. Và đã có lúc gần như trượt dốc. Nhưng chính các thầy đã đứng bên tôi, động viên, các thầy thực sự đã cứu tôi, cứu một con người… Tôi chọn nghề giáo, vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là vì chính bản thân tôi, tôi yêu thích nghề sư phạm. Môi trường trong lành của nghề khiến tôi thấy bình yên, thanh thản. Đi qua nhiều sóng gió, tôi thấy sự thanh thản thật quý giá.

Thông thường, tuổi trẻ phải thích sự năng động, bươn chải, cầu tiến. Đến một độ tuổi trưởng thành nhất định người ta mới ngồi định nghĩa về sự thanh thản, yên bình. Đã sớm nghĩ đến sự thanh thản phải chăng vì Diệu Hương già dặn trước tuổi, hay vì đã đi qua nhiều biến cố lớn khi tuổi đời còn rất trẻ?

Tôi cũng thuộc tuýp người già dặn trước tuổi. Cuộc sống là do bản thân mỗi người tự quyết định, tự lựa chọn. Tôi hay tự tạo ra sóng gió cho mình kiểu “thân làm tội đời”. Vui đấy nhưng cũng buồn ngay đấy. Niềm vui, nỗi buồn luôn đi song hành, và vui hay buồn đều mãnh liệt.

Tính tôi ương bướng và hiếu thắng. Người ta hay quan niệm, diễn viên thì học thức không nhiều, không biết làm kinh tế… Tôi muốn thay đổi quan niệm đó. Tôi vào làm cho công ty tài chính nước ngoài. Nhưng vì không học về kinh tế, nên có những điều, thực sự không biết phải bắt đầu như thế nào. Tôi vẫn cố gắng tìm tòi làm. Đôi khi, phải đền bù thiệt hại về mặt tài chính cho công ty… (cười).

Làm nghề giáo, như các thầy nói với tôi, sẽ không có danh, không có tiền, và phải mất rất nhiều thời gian để đứng được vững vàng trên bục giảng. Sắp tới, tôi sẽ đi học đạo diễn, học cao học. Nhưng như tôi đã nói, tôi yêu thích công việc giảng dạy, tôi thấy bình yên, hạnh phúc với môi trường làm việc, với sinh viên của mình, nên tôi chọn nghề giáo. Tôi cũng muốn người ta thay đổi cái nhìn về người diễn viên, không phải cứ là diễn viên thì nghèo về học thức, là dính scandal, là tai tiếng đồn thổi… Tôi không muốn người ta nghĩ xấu về công việc mình đang làm.

Dùng hàng hiệu, lái xe Mercedes- với hình ảnh ấy, Diệu Hương giống một ngôi sao dư giả hơn là một giảng viên Đại học. Chọn nghề giáo, nhưng dường như, cách sống của Diệu Hương vẫn là một… ngôi sao “ương bướng và hiếu thắng”?

Tôi đã đi xe Mercedes từ năm thứ 4 Đại học. Chiếc xe là do bản thân dành dụm được và gia đình hỗ trợ cho mỗi lần đi đóng phim xa. Khi được về khoa, tôi có hỏi ý kiến các thầy, các thầy bảo “Khoa không cần một nữ công chức mà cần một nghệ sỹ tham gia giảng dạy. Em cứ sống với chính chất nghệ sỹ em có. Chiếc xe là do sức lao động của em có được. Khoa không cần một hình ảnh lừa dối đến trường. Hãy cứ sống như thế để làm việc”. Các thầy rất thoải mái, và sinh viên của tôi cũng không “soi” chuyện xe của tôi. Tôi nghĩ, thế hệ 9X bây giờ, họ thích một cô giáo năng động, làm được nhiều việc một lúc hơn là một cô giáo chỉ giảng dạy những gì có trong sách giáo khoa.

Diệu Hương trở thành cô giáo khiến nhiều người ngạc nhiên. Cái tên Diệu Hương từng gắn với khá nhiều điều tiếng, trong đó có cả chuyện… “lăng nhăng” với đàn ông. Trở thành cô giáo liệu có “xoá sổ” được quá khứ?

Tôi sẽ không bao giờ đi thanh minh cho những điều tiếng. Tôi sống như thế nào những người xung quanh tôi đều hiểu, đều biết. Tôi học ở trường 4 năm, dư luận như thế nào các thầy đều đã nghe. Nhưng các thầy vẫn nhận tôi về trường, và việc nhận một giảng viên, không chỉ có một, hai thầy cô giáo mà có cả một hội đồng quyết định. Là một cô giáo sẽ đứng lớp giảng dạy cho biết bao thế hệ sinh viên không thể là người sống quá tuỳ tiện.

Mọi điều tiếng, tôi không đính chính, ai nghĩ gì cũng được. Những người sống quanh tôi là những người hiểu tôi nhất. Tại sao người ta cứ thích tô nhiều màu cho nghề diễn thế nhỉ? Trong mắt tôi, nghề diễn viên chỉ có màu hồng và tôi vẫn tiếp tục tô hồng cho nó.

Là vì, bản thân nghề diễn cũng có những khoảng tối nhất định, những màu đen ngoài mong muốn. Ngay như Diệu Hương, cũng từng có những thông tin khá ầm ĩ về chuyện tình yêu đấy thôi…

Có một sinh viên từng hỏi tôi: Cô quan niệm như thế nào về chữ “Ngoan”? Tôi nói, khi em yêu một người, đi chơi với một người vì em yêu, em có tình cảm với người ấy- thế là ngoan. Khi em đi chơi với một người đàn ông vì tiền bạc, vì danh vọng, vì những mục đích khác chứ không phải vì tình yêu, thì đó là không ngoan. Tôi yêu lúc nào cũng hết mình và yêu chỉ vì bản thân người ấy, chứ không bao giờ vì mục đích nào khác.

Nghĩa là, bạn ngoan?

Tôi không thích tuyên ngôn, không thích khẳng định những điều “đao to búa lớn” về mình. Tôi đã từng có một tình yêu nhưng thất bại, bây giờ thì không có ai. Trong mọi cuộc chia tay, người phụ nữ bao giờ cũng thiệt thòi.

Nhưng, dù còn yêu, dù còn nhớ, tôi cũng không bao giờ thể hiện ra với người ấy. Tôi không nhắn tin, không liên lạc, không níu kéo, để mang nỗi buồn của mình đến làm phiền cuộc sống hiện tại của người ta. Khi đã không thể đến được với nhau, tôi xác định phải quên để người ta bắt đầu một cuộc sống mới.

Bạn là người dễ quên?

Tôi lạnh lùng, đôi khi tàn nhẫn nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, bên trong không phải thế. Thường một thời gian sau, người ta sẽ hiểu tôi. Với người khác, khi chia tay rồi sẽ không thể là bạn. Tôi kịch liệt phản đối quan điểm đó. Một người ta từng hiểu, từng yêu thương, tại sao không thể là một người bạn? Và chúng tôi vẫn luôn là những người bạn khi tình yêu kết thúc. Quá khứ đáng trân trọng. Tôi luôn lưu giữ những ký ức cũ, nhưng không để những ký ức cũ lấn át cuộc sống mới. Cuộc sống vẫn tiếp tục, và ta vẫn phải bắt đầu lại.

Điều tiếng được thêu dệt có lẽ từ việc bạn có thể kết thúc mối quan hệ này một cách lạnh lùng và bắt đầu với một quan hệ mới rất hết mình?

Tôi chưa hề nói với chị là tôi đã bắt đầu một mối quan hệ mới. Đến bây giờ tôi vẫn chưa có ai. Đến bây giờ tôi vẫn là kẻ thất bại với tình yêu.

Và một người hiếu thắng như bạn lại bằng lòng với sự thất bại đó?

Cái gì đến, sẽ đến!

Bài và ảnh: Hiền Hương (Theo Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)