Dù không sở hữu lượng sinh viên quốc tế đông đảo như các quốc gia Anh, Úc, Mỹ…, nhưng thị trường du học Phần Lan thu hút sinh viên quốc tế bằng chính những ưu điểm xuất sắc mà ít có cường quốc nào sánh nổi.
Sinh viên một trường ĐH ở Phần Lan |
Theo Tổ chức OECD (Organization Economic Cooperation and Development), Phần Lan là nước thành công nhất thế giới trong nền giáo dục. Theo đó, giáo dục được đánh giá rất cao ở Phần Lan và đặt tiêu chuẩn cao cho giáo dục là một trong những nền tảng chiến lược của quốc gia này. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới về giáo dục ĐH-CĐ, Phần Lan xếp thứ nhất về số lượng tốt nghiệp và chất lượng, xếp thứ hai về toán và giáo dục khoa học…
Những điểm khác biệt của giáo dục Phần Lan
Người Mỹ luôn tự hào về quốc gia của họ như một cường quốc dẫn đầu thế giới ở hầu hết mọi phương diện, nhưng riêng giáo dục thì đành phải nhường lại cho Phần Lan. Ở châu Âu, Phần Lan cũng là quốc gia dẫn đầu về chất lượng giáo dục con người toàn diện mà khó có quốc gia nào vượt qua nổi. Theo đó, giáo dục nước này luôn chú trọng đào tạo cho học sinh cách tự học và học tập bằng chính niềm đam mê, kích thích sáng tạo thông qua nhiều hoạt động như: trò chơi vận động, khám phá thiên nhiên, thảo luận, dự án… Đặc biệt, chủ trương giáo dục tại Phần Lan ngay từ bậc tiểu học đã tôn trọng nguyên tắc: dạy trẻ học cách học, chứ không dạy cách để vượt qua các kỳ thi chỉ để lấy được điểm đậu.
Có thể nói, sự khác biệt quan trọng và cốt lõi nhất của giáo dục Phần Lan nằm ở tính công bằng và sự khuyến học từ chính phủ. Học sinh, sinh viên bản địa và quốc tế khi học tập tại bất kỳ ngôi trường nào, ngoại ô hay thành phố cũng đều được thụ hưởng chất lượng giáo dục và đào tạo tương đương nhau. Theo đó, học sinh, sinh viên đến trường đều được miễn toàn bộ học phí và sách vở (từ bậc tiểu học đến tiến sỹ). Bà Tuula Haatainen – Bộ trưởng giáo dục Phần Lan – cho biết: “Chính phủ Phần Lan đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo vì tin rằng đây chính là chìa khóa của sự sống sót và phát triển trong kinh tế. Giáo dục là tiên phong trong việc tạo ra việc làm, tại đất nước Phần Lan luôn cần những nguồn nhân lực có tay nghề. Chính vì thế đầu tư cho giáo dục là việc thiết yếu”.
Hệ thống giáo dục của Phần Lan bao gồm 2 khối song song với nhau, đó là các trường ĐH Ứng dụng (Polytechnics) và ĐH Nghiên cứu (Universities). Các trường ĐH Ứng dụng chuyên dạy những môn xuất phát trừ nhu cầu đào tạo nghề và chuyên môn. Trường này cung cấp bằng liên quan nhiều đến thực tế làm việc trong đời. Còn các trường chuyên về nghiên cứu khoa học và giáo dục nâng cao có liên quan đến nghiên cứu; các trường này cấp bằng học vị cử nhân (thấp hơn) và bằng thạc sĩ (cao hơn) cũng như các chứng chỉ sau ĐH và tiến sĩ.
Phần Lan cung cấp những cơ hội giáo dục ĐH tuyệt vời trong mọi ngành học. Sinh viên tham gia các khóa học lấy bằng chính quy của các trường ĐH đều không phải trả tiền. Ngôn ngữ sử dụng phổ biến trong các trường ĐH là tiếng Anh, do đó sinh viên quốc tế đều có thể học tập tốt và tiếp thu kiến thức mà họ mong muốn. Các trường ĐH tại Phần Lan thường có các câu lạc bộ, hội nhóm sinh viên hoạt động rất tích cực. Trong đó, Hội sinh viên Việt Nam tại Phần Lan thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực, thi trang phục truyền thống…, và trợ giúp các bạn sinh viên mới sang. Từ đó, sinh viên cảm thấy tự tin và mở rộng mối quan hệ xã hội của mình, chuẩn bị cho hành trình tìm việc sắp tới.
Cơ hội việc làm và du lịch thế giới
Điểm lý tưởng nhất mà sinh viên du học tại các quốc gia khác cảm thấy ganh tỵ với du học sinh Phần Lan là các bạn được phép du lịch tới 28 quốc gia châu Âu một cách dễ dàng mà không cần visa. Đây chính là cơ hội trải nghiệm tuyệt vời không dễ có được, giúp các bạn mở mang hiểu biết của mình về các nền văn minh châu Âu và lưu lại những khoảnh khắc quý giá trong cuộc đời tuổi trẻ.
Các chuyên ngành đào tạo mũi nhọn mà sinh viên có thể tham khảo khi chọn học là: Thương mại quốc tế, marketing, công nghệ thông tin, du lịch & khách sạn, cơ khí, tài chính, quản trị hệ thống thông tin, tự động hóa, quản lý thiết bị, môi trường, quản lý công nghiệp… Phương pháp học tại Phần Lan không nặng nề lý thuyết, thời gian học trên lớp không nhiều, nhưng tài liệu đọc và tham khảo nguồn tư liệu khác lại vô cùng lớn. Do đó, sinh viên cần cố gắng nỗ lực và chăm chỉ, tự tạo cho mình thói quen làm việc theo thời gian biểu để sắp xếp việc học, chơi và làm việc một cách tốt nhất. Mọi văn bằng do Chính phủ Hà Lan cấp cho sinh viên đều có giá trị quốc tế và nghiễm nhiên được công nhận trên toàn thế giới. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được phép ở lại 1 năm để kiếm việc làm hoặc học cao hơn.
Chính phủ Phần Lan cho phép sinh viên quốc tế được làm thêm 20 giờ/tuần. Các việc làm phổ biến tại đây thường là phục vụ trong quán cà phê, trông trẻ, phát báo, giao sữa, giao hàng, phụ bếp… với mức lương khoảng 8-12 Euro/giờ. Mặc dù tiếng Anh được dùng giảng dạy trong tất cả các trường, nhưng sinh viên nên cố gắng trang bị cho mình vốn từ tiếng Phần Lan nhất định để giao tiếp với người dân bản xứ khi cần thiết. Về chi phí sinh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu chi tiêu và mua sắm của bản thân, du học sinh cần chuẩn bị khoảng 400-700 Euro/tháng. So với các quốc gia khác, mức sinh hoạt phí tại Phần Lan thuộc nhóm tương đối thấp mà du học sinh có thể đáp ứng được.
Đặc biệt, trước khi quyết định du học tại Phần Lan, các bạn cần tham khảo thông tin từ nhiều nguồn như website chính thức của các trường, tiếp xúc lãnh sự quán Phần Lan để cập nhật thông tin và quy định mới nhất… nhằm chuẩn bị bộ hồ sơ chất lượng nhất có thể. Đồng thời, các bạn cũng đừng quên chuẩn bị kỹ năng ngoại ngữ thật tốt để khám phá những điều thú vị khi chọn học tập tại đất nước này.
D.Minh
Bình luận (0)