Bắt đầu từ năm 2021, người điều khiển xe máy dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện dưới 4 kW phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A0. Trước thông tin này, nhiều học sinh dù bất ngờ, nhưng cho rằng là điều cần thiết.
Nhiều học sinh sử dụng xe máy điện, xe dưới 50 phân khối làm phương tiện đi học mỗi ngày. NGUYỄN ĐIỀN
Cụ thể, trong “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”; đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện có công xuất động cơ dưới 4 kW, ngoài ra người đủ 16 tuổi trở lên mới được cấp GPLX hạng A0. Trước những thông tin này, nhiều học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM tỏ ra bất ngờ vì đây là phương tiện đến trường thường xuyên của nhiều em.
Có mặt tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM vào giờ tan học của học sinh, tại đây chúng tôi ghi nhận được nhiều học sinh sử dụng phương tiện xe máy điện và xe máy dưới 50 cm3 để đến trường.
Nhiều học sinh cho biết việc thi bằng lái xe không quá khó nên không có gì phải lo . NGUYỄN ĐIỀN
Cần biết luật giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người
Trương Mậu Phú (17 tuổi, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) cho biết: “Do ba mẹ bận công việc nên không ai đưa em đi học, vì thế hằng ngày em tự lái xe đi học. Nếu bắt buộc phải thi bằng lái thì em sẽ học thêm lý thuyết để thi, em nghĩ việc thi bằng lái không quá khó nên cũng không có gì để lo…”.
Đứng trước cổng trường đợi phụ huynh đến đón, Nguyễn Hoàng Đức (15 tuổi, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Khuyến) cho biết muốn thi bằng lái sớm để có thể tự lái xe đi học: “Em nghĩ việc thi bằng lái xe sớm rất cần thiết vì có những bạn lái xe máy điện, hay xe dưới 50 cm3 đi học, tức là các bạn đã tham gia giao thông nên cũng cần có những hiểu biết cơ bản để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Riêng em, nếu sắp tới được phép thi lái xe em sẽ chuẩn bị những kiến thức cũng như kỹ năng để thi, vì ở tuổi này em cần tự lập dần”.
Có vẻ hào hứng trước thông tin thi bằng lái xe, Phạm Trần Bích Ngân (16 tuổi, học sinh lớp 11, Trường THCS-THPT Diên Hồng, TP.HCM) cho biết: "Em sẽ tham gia một vài khóa học lý thuyết về an toàn giao thông, còn về kỹ năng lái xe sẽ nhờ người thân tập để có thể lấy được bằng. Nếu được, em nghĩ nên sử dụng bằng lái đã thi dành cho xe điện, xe dưới 50 cm3 áp dụng cho những xe phân khối lớn hơn luôn để không phải thi đi, thi lại nhiều lần, mất thời gian cũng như chi phí”.
Học sinh có phải thi 2 lần vào năm 16 và 18 tuổi để lấy 2 bằng?. NGUYỄN ĐIỀN
Phải thi 2 lần vào năm 16 và 18 tuổi để lấy 2 bằng?
Chị Lê Thị Tố Khanh (49 tuổi, quận 12, TP.HCM) đang có con học lớp 11, cho biết hoàn toàn ủng hộ quyết định cho thi bằng lái khi điều khiển xe máy điện, xe dưới 50 cm3 nhưng vẫn còn băn khoăn nếu như thế thì học sinh phải thi ít nhất 2 lần vào năm 16 và 18 tuổi để lấy 2 bằng tương ứng. “Việc có những hiểu biết cơ bản về an toàn giao thông sẽ giúp các con an toàn hơn khi tham gia giao thông, vì đa phần phụ huynh đều bận mưu sinh không có nhiều thời gian đưa đón. Nhưng tôi hơi thắc mắc nếu các cháu thi bằng lái từ năm 16 tuổi, vậy thì khi 18 tuổi lại phải thi thêm lần nữa thì hơi mất thời gian và chi phí. Còn việc thi bằng lái là điều cần thiết nên tôi sẽ cho con đi học lý thuyết và thực hành lái xe để thi thôi”, chị Tố Khanh nói.
Xây dựng các bài thi sát hạch tương đồng với xe gắn máy
Về phía giáo viên, thầy Hồ Văn Nhật Trường (Giáo viên Trường Trung học thực hành – ĐH Sư Phạm TP.HCM) cho biết việc bắt buộc thi bằng lái xe đối với những trường hợp đi xe máy điện, xe dưới 50 cm3 là điều hoàn toàn cần thiết để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông. “Việc hiểu luật giao thông và áp dụng những điều ấy vào trong quá trình tham gia giao thông là điều cần thiết cho tất cả mọi người chứ không riêng gì học sinh hay người đi xe máy dưới 50 cm3… ", thầy Trường nói và cho biết thêm điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức để học sinh thấy được ý nghĩa của việc trang bị hiểu biết cần thiết về an toàn giao thông, chủ động trong việc học luật và tham gia thi bằng lái xe.
“Theo tôi nên xây dựng các bài thi sát hạch tương đồng với hệ thống sát hạch xe gắn máy, mô tô hiện tại để đảm bảo tính an toàn và hạn chế thi lại bằng nhiều lần vì độ tuổi 16 đến 18 là rất gần. Thậm chí có thể cho các em lái xe với dung tích cao hơn nếu đạt được tiêu chuẩn sức khỏe và đạt yêu cầu của kỳ thi sát hạch. Thay vì cấm để các em lén lút gây nguy hiểm cho người khác thì hợp pháp hóa để các em tự nguyện và nhận thức việc trang bị kiến thức tham gia giao thông”, thầy Trường nói thêm.
Theo Nguyễn Điền/TNO
Bình luận (0)