Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Điều kiện vào ĐH có thay đổi?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn không biết năm nay khi các trường ĐH không tổ chức một kỳ thi chung như các năm trước mà dùng kết quả kỳ thi THPT để xét tuyển hoặc có phương án tuyển sinh riêng thì điều kiện điểm chuẩn vào các trường có khác.  


Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Năm 2015 dự kiến trường này có những bước sàng lọc thêm thí sinh trước khi công bố điểm chuẩn – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thêm tiêu chí phụ
Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhiều khả năng, để xác định điểm chuẩn, trường sẽ phải có những bước tiếp theo sàng lọc thí sinh.
Khả năng sẽ có rất nhiều hồ sơ gửi về trường để xét tuyển. Lúc này, có thể xảy ra một trường hợp là xét ở một mức điểm chuẩn thì có quá nhiều thí sinh đồng điểm. Nhưng nếu chỉ cần nâng lên 1 điểm thì lại thiếu chỉ tiêu. Vì vậy, lúc này có thể trường sẽ xác định thêm tiêu chí phụ như dựa trên điểm môn thi quan trọng hơn (chẳng hạn điểm môn sinh học) hay dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT… Lúc này, sẽ dễ sàng lọc thêm một số thí sinh nữa.
Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng sẽ áp dụng tiêu chí phụ trong trường hợp số lượng thí sinh xét tuyển khối B vượt so với chỉ tiêu cần tuyển. Đó là trường sẽ xét tuyển kết quả môn thi ngoại ngữ để ưu tiên tuyển chọn. Nếu khi có thêm điểm ngoại ngữ nhưng kết quả thí sinh vẫn tương đương, trường sẽ xét thêm tiêu chí điểm học bạ 3 năm THPT của thí sinh.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại các cụm thi trên cả nước do các trường ĐH chủ trì. Tuy nhiên, trường này bổ sung thêm điều kiện sơ loại. Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20 trở lên.
Theo tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường sẽ có thêm vòng phỏng vấn đối với thí sinh đã trúng tuyển vào ngành sư phạm kỹ thuật. Mục đích để xét một số tiêu chí xem thí sinh có đủ khả năng đứng trên bục giảng hay không như không bị dị tật, không nói ngọng, nói lắp… Nếu không đạt, thí sinh được chuyển sang ngành khác.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lấy điểm chuẩn từ trên xuống khi xét tuyển thí sinh từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các thí sinh này phải có kết quả học tập trung bình các năm THPT (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 6,5 trở lên. Lãnh đạo ĐH này cũng lường trước khả năng nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau. Lúc này, điểm trung bình các năm học THPT sẽ được sử dụng làm tiêu chí bổ sung theo hướng ưu tiên thí sinh có điểm trung bình cao hơn.
Dự báo về điểm chuẩn
Theo tiến sĩ Nguyễn Phương, điểm chuẩn phụ thuộc rất lớn vào đề thi. Đề thi năm nay vừa dành cho thí sinh tốt nghiệp, vừa để tuyển sinh nên rất khó định lượng. Vì vậy, khó dự đoán được điểm chuẩn của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ tăng hay giảm. Nhưng trong các năm vừa qua, điểm chuẩn của trường khá ổn định.
Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, các trường công lập lớn đào tạo y dược sẽ vẫn lấy điểm chuẩn cao mà không phụ thuộc quá nhiều vào mức điểm sàn của Bộ. Năm nay, dự kiến còn có nhiều hồ sơ có điểm cao nộp vào trường hơn nên điểm chuẩn cũng sẽ ít có khả năng thấp hơn.
Một số trường ĐH khác đang tỏ ra khá bối rối vì đây là lần đầu tiên áp dụng phương án tuyển sinh mới, không biết điểm chuẩn sẽ xác định như thế nào. Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết năm nay trường không áp dụng nhân đôi điểm môn toán như các năm nữa.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho biết năm nay khó xác định tỷ lệ thí sinh ảo nên cũng khó xác định điểm chuẩn. Còn phải xem quy chế tuyển sinh năm nay như thế nào cũng như tình hình thi kỳ thi quốc gia của thí sinh. Có thể dự kiến điểm thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ cao, dẫn đến điểm chuẩn cao hơn. Dù vậy, trường cũng sẽ không dám lấy điểm chuẩn quá cao. Nếu cao hơn các năm, chỉ từ 1 – 1,5 điểm là tối đa.
Còn thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng đề thi năm nay có thể dễ hơn để điểm tốt nghiệp không quá thấp. Vì vậy, không thể có đề mà phổ điểm dưới 14 – 15 điểm (3 môn), 18 – 20 điểm (4 môn) cho đa số thí sinh. Từ đó, điểm sàn sẽ cao hơn các năm. Như vậy, điểm chuẩn các trường sẽ tăng.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho thi thử bài thi đánh giá năng lực mẫu
Để giúp các thí sinh làm quen với dạng thức của bài thi và đánh giá được năng lực cá nhân để có kế hoạch ôn tập trước khi tham gia dự thi theo bài thi đánh giá năng lực áp dụng từ năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội cho công bố bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mẫu, dưới hình thức thi thử miễn phí trên trang thông tin điện tử của ĐH này.
Bài thi này bao quát những lĩnh vực kiến thức cơ bản của môn toán, ngữ văn, các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của bậc THPT. Cụ thể, bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung của  ĐH này gồm 3 phần với tổng số câu hỏi là 140 câu tương ứng 140 điểm, tổng thời gian làm bài 195 phút với 2 phần. Phần bắt buộc là tư duy định lượng – toán học (50 câu hỏi, thời gian làm 80 phút) và tư duy định tính – ngữ văn (50 câu hỏi, thời gian làm 60 phút). Phần tự chọn (40 câu hỏi, thời gian làm 55 phút), thí sinh được lựa chọn một trong 2 phần là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).  
Tuệ Nguyễn

Đăng Nguyên

(TNO)

Bình luận (0)