Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Điều kỳ điệu” của tình yêu thương…

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh và dì Vũ Thị Đậu

Cuộc sống có rất nhiều “điều kỳ điệu”. Một trong những yếu tố làm nên “điều kỳ diệu” ấy chính là tình yêu thương của con người với con người.
1. “Bố tôi làm việc không bằng đôi tay mà bằng cả con tim và khối óc” – Đó là câu đúc kết đầy sự trân trọng, kính yêu của chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (giáo viên Trường THCS Phạm Văn Chiêu – quận Gò Vấp – TP.HCM) dành cho người bố của mình. Chị kể: “Bố tôi bị liệt đôi tay từ năm lên 4 tuổi. Từ đó, tất cả mọi công việc, kể cả việc dạy học bố cũng nhờ vào đôi chân của mình. Năm tôi ra trường làm cô giáo, đứa em út học lớp 11 thì mẹ tôi cũng bất ngờ bị tai biến não di chứng liệt nửa người. Hai bố mẹ giờ chỉ còn một đôi tay. Nhiều lần, tôi không sao cầm được nước mắt khi bắt gặp bố dùng chân tắm và dùng miệng thay quần áo cho mẹ. Mỗi lần mẹ lóng ngóng dò dẫm định đi vào nhà vệ sinh, bao giờ bố cũng không quên chạy vào dùng chân lau thật sạch để mẹ bước vào không bị trơn ngã. Bảy năm sau, mẹ tôi đột ngột tai biến não lần hai và qua đời…”. Thực hiện theo lời trăn trối của mẹ, mấy chị em của chị đã về Nam Định đón người dì ruột (em gái mẹ) – bà Vũ Thị Đậu vào TP.HCM giúp bố. Chồng của bà Đậu cũng đã mất 12 năm trước. “Từ ngày có dì, chúng tôi rất yên tâm để đi làm. Mọi công việc trong nhà, nuôi dạy các cháu, chăm sóc bố, dì lúc nào cũng chu toàn. Trước đây, bố ngồi soạn giáo án hay viết báo, xong bản thảo thì mẹ tôi là người đọc và kiểm tra lại giúp bố. Bây giờ, công việc ấy dì đảm nhận. Cho đến suốt cuộc đời, tôi cũng không bao giờ quên được hình ảnh dì ngồi quạt cho bố tôi viết xong bài báo vào những đêm khuya. Đến khi nào bố tôi viết xong, đi ngủ thì dì mới chịu đi ngủ theo. Chúng tôi từng bước trưởng thành trong tình yêu thương, dạy bảo đúng mực của dì và bố. Thời gian vừa qua, bố tôi lâm bệnh nặng, phải thường xuyên vào bệnh viện chạy thận nhân tạo. Gánh nặng gia đình lại đè nặng nhân đôi trên đôi vai của dì bởi dì kiên quyết: “Các con cứ đi làm, kiếm tiền chạy chữa cho bố, còn lại mọi việc chăm sóc, nuôi bệnh cho bố, cứ để cho dì…”. Căn bệnh của bố vẫn còn phải điều trị lâu dài, thương bố, thương dì, chúng tôi có nói trăm ngàn lời cảm ơn cũng chưa xứng với tấm lòng bao la, cao cả đó…”. Người bố của chị Ánh chính là NGƯT Nguyễn Ngọc Ký – người đã viết nên bài ca cuộc đời bằng “đôi chân kỳ điệu”…
2. Suốt 24 năm qua, Út Đẹt (tên thật Huỳnh Thanh Thảo ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) đã lớn lên và trưởng thành trong vòng tay yêu thương và sự hy sinh thầm lặng của người chị hai. “Tôi là đứa con gái tật nguyền, tôi không đi được, đứng được, cho đến bây giờ vóc dáng vẫn nhỏ thó như chính tên gọi thường ngày của mình. Nhà tôi nghèo, ba mẹ phải chăm lo việc đồng áng gần như chiếm hết thời gian. Chị hơn tôi ba tuổi nhưng rất già dặn và chăm lo cho tôi không khác gì ba mẹ. Tôi cảm ơn vòng tay của chị luôn che chở cho tôi suốt bao năm qua và có lẽ là suốt cả cuộc đời…” – Thảo vừa khóc vừa nói về người chị của mình. Bản thân Thảo cũng không thể nào lý giải được vì sao tình thương của chị dành cho mình lại rộng lớn như thế. Ba mẹ đi làm, một mình chị đảm đương hết mọi việc trong nhà, chăm sóc chu đáo cho đứa em tàn tật. Bất kỳ bạn bè nào rủ đi chơi chị cũng đều từ chối, riết rồi cũng chẳng ai rủ nữa. Cứ thế, hai chị em không rời nhau nửa bước. Út Đẹt kể tiếp: “Ngày chị thi đậu vào ngành kế toán, tôi phải năn nỉ hết lời chị mới chịu ra TP.HCM đi học. Tốt nghiệp, chị quyết định về quê làm việc với mức lương rất thấp, trong khi tại TP.HCM các công ty trả chị với mức lương gấp ba lần như thế. Tôi biết, chị làm điều đó là vì tôi…”. Nhiều cuộc tình đến với người chị này rồi cũng lần lượt ra đi vì không có ai đủ can đảm chấp nhận điều kiện “phải cùng chị nuôi dưỡng đứa em khuyết tật”. Rồi “điều kỳ điệu” cũng đã xảy ra, anh Tý đã chấp nhận cùng chị xây đắp hạnh phúc. Anh đã yêu thương và chăm sóc Út Đẹt như chính em ruột của mình. Câu chuyện kết thúc thật có hậu như câu nói: “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim”…
Bài, ảnh: KHÔI NGUYÊN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)