Hội nhậpThế giới 24h

Điều kỳ diệu trên sông Hudson

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ trưởng Chesley Sullenberger – Ảnh: Reuters

Một đàn ngỗng trời đã khiến chiếc Airbus khổng lồ hỏng hết hai động cơ. Tai nạn hi hữu xảy ra trên bầu trời thành phố New York (Mỹ) ngày 15-1 với chiếc máy bay của Hãng American Airways chở theo 155 người. Tuy nhiên, toàn bộ phi hành đoàn đều an toàn do cơ trưởng đã chọn đúng điểm đáp khẩn cấp là dòng sông Hudson chảy qua thành phố.
Chim sắt thua chim trời
Chỉ ít lâu sau khi xuất phát từ sân bay LaGuardia đi Charlotte, Nam Carolina, chiếc Airbus A320 đã phát tín hiệu khẩn cấp về trạm kiểm soát không lưu, báo cáo tình huống đâm phải chim trời. Một số con trong đàn ngỗng gây tai nạn bị vướng vào động cơ máy bay. Theo Reuters, cả hai động cơ chính đều ngưng hoạt động khiến tình huống khi đó trở nên vô cùng nguy kịch. Nhằm tránh một thảm họa tàn khốc, cơ trưởng buộc phải chọn bãi đáp bất đắc dĩ là con sông Hudson lạnh giá đang trong mùa nước xiết.
Phi công Chesley Sullenberger, 57 tuổi, bằng tất cả bản lĩnh và kinh nghiệm bay lâu năm đã thực hiện một quyết định mang tính sống còn cho hơn 150 con người trên chuyến bay 1549. Tuy nhiên thực tế cho thấy đây là một quyết định sáng suốt bởi việc quay lại sân bay LaGuardia là bất khả thi.
Sau khi chọn con sông để hạ cánh, Sullenberger nhanh chóng cảnh báo hành khách về sự cố và dự định của mình. Không khí lo sợ lập tức bao trùm toàn bộ khoang máy bay. “Mọi người nhìn nhau và bắt đầu cầu nguyện”, hành khách Jeff Kolodjay kể lại. Điều duy nhất họ có thể làm là trông chờ vào tài năng của tổ lái.
Hạ cánh ngoạn mục

Hành khách trên chiếc máy bay được cứu hộ kịp thời – Ảnh: Reuters

Niềm hi vọng của họ được đền đáp. Chiếc máy bay không đâm thẳng mà hạ cánh với phần bụng chạm nước trước. “Nó chạm nước rất từ từ, đó có lẽ là cú đáp tốt nhất”, anh Ben Vonklemperer quan sát toàn bộ quá trình từ tầng 25 của một tòa nhà cho biết. Còn theo các chuyên gia hàng không, đó là điều lạ thường. “Thật ngạc nhiên, chiếc Airbus đáp xuống dòng sông mà không bị gãy vỡ gì”, chuyên gia điều tra tai nạn Max Vermij bình luận, bởi theo nguyên tắc việc này còn nguy hiểm hơn cả đáp trên bộ.
Đối với hành khách, cú thoát hiểm quả là một kinh nghiệm khó quên. “Nước tràn vào máy bay rất nhanh chóng. Thật là kinh hoàng! Bên trái tôi có một phụ nữ đang bò qua hàng ghế với đứa con nhỏ”, anh Kolodjay kể. Sau đó, mọi người nhanh chóng được đưa ra ngoài trong khi chiếc Airbus chìm dần. Các lực lượng cứu hộ bao gồm cảnh sát, lính cứu hỏa, trực thăng, đội an ninh bờ biển và cả một chiếc phà được huy động đến hiện trường. Tất cả hành khách đều an toàn, chỉ một số người vào viện để điều trị. “Đến bây giờ tôi cũng không thể tin được tất cả mọi người đều còn sống” – một hành khách chia sẻ.
Sau sự kiện này, cơ trưởng Chesley Sullenberger trở thành anh hùng trong mắt hành khách và những người dân Mỹ khác. “Tôi và Laura rất nể phục tài năng và sự anh hùng của tổ lái cũng như sự hi sinh, quên mình của các đội ứng cứu và tình nguyện viên” – Tổng thống George Bush phát biểu. Hãng Bloomberg tán dương cơ trưởng đã thực hiện một việc làm “siêu việt”, và thậm chí khẳng định ông còn rảo khắp máy bay hai lần để chắc chắn rằng mọi người đã ra ngoài.
Hầu hết các va chạm với động vật trong ngành hàng không đều không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng có nhiều trường hợp không may mắn. Theo Cục Quản lý hàng không Mỹ, trong hơn 20 năm qua có khoảng 80.000 sự cố được ghi nhận đối với các chuyến bay dân sự liên quan đến chim trời, tức tỉ lệ trung bình 1/10.000 chuyến bay. Nhà sinh vật học Richard Dolbeer nhận xét các vụ “chạm trán” giữa máy bay và chim hoang dã có thể xảy ra do một số loài cạnh tranh để giành không phận.
Tính ra có 219 người chết trong các tai nạn liên quan đến chim và động vật hoang dã. Đứng đầu danh sách những kẻ gây tai nạn là chim, chiếm 97%, sau đó là hươu, dơi và một số loài khác.
TRẦN PHƯƠNG (TTO)
 

Bình luận (0)