Xuân Diệu trên đường đua bộ môn điền kinh (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Năm nay Trần Xuân Diệu đã là một chàng trai 28 tuổi nhưng dáng đi vẫn còn xiêu vẹo như đứa trẻ lên 2, lên 3. Nói chuyện câu được câu mất nên những ai ngồi đối diện với Diệu đều thật sự cảm thấy khó khăn khi giao tiếp cùng em. Thế nhưng đằng sau cơ thể khiếm khuyết đó đã có biết bao “điều kỳ diệu”…
Gian nan tìm việc giữa chợ đời
Nhiều người trong xóm nói rằng, do ông Trần Xuân Huy là một thương binh thời chống Mỹ nên sinh con ra mới có cơ thể dặt dẹo như vậy. Khi con cái người ta trong xóm đến tuổi đi học thì cậu bé 6 tuổi Xuân Diệu vẫn đi đứng vụng về. Diệu nhớ lại: “Nhà nghèo, mẹ thương quá nên không cho tôi đến trường nữa mà chỉ ở nhà nấu cơm và làm những việc nhẹ nhàng như quét tước, dọn dẹp trong nhà. Đó cũng là thời gian tôi buồn nhất vì không được đi học nữa”. Một năm sau nhờ người quen mách bảo nên Diệu được bố đưa ra TP.Hà Tĩnh xin việc làm tại Hội Người mù và sau đó là một cơ sở dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Khi tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh khác Xuân Diệu mới cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều: “Có bạn nằm một chỗ không đi lại được trông rất tội nghiệp nên ăn uống, di chuyển phải nhờ người khác giúp rất khó khăn”. Có lẽ đó cũng là động lực cho cậu bé 15 tuổi biết cách sống tự lập không muốn trở thành gánh nặng trong nhà.
Nhưng ra thủ đô mới được nửa năm thì Diệu lại được anh trai đưa ngược vào TP.HCM làm trong cơ sở in hình lên áo, ly, chén, dĩa trên đường Điện Biên Phủ, P.17, Q.Bình Thạnh. Đây là cơ sở làm ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao nên những ai chưa có tay nghề như Diệu phải làm những công việc “tà lọt”. Những tấm gương khuyết tật Diệu đọc được trên sách báo và nhất là anh bạn Lê Văn Liễu dù chân yếu nhưng rất giỏi vi tính như một động lực mạnh thúc giục anh làm một việc gì đó để tự chiến thắng bản thân mình. May mắn cũng đã mỉm cười với Diệu khi Trung tâm Khuyết tật trẻ em Q.Bình Thạnh mở lớp dạy nghề miễn phí và Diệu đã chọn học đồ họa trên vi tính. Thần kinh yếu, bàn tay vốn thường run lẩy bẩy do bên phải bị liệt khi làm một việc gì dù rất nhẹ nên ngồi trước chiếc máy vi tính để gõ lên bàn phím là một cực hình đối với Diệu. Các nốt ký tự nhảy múa lung tung không theo ý muốn của chủ nhân nhưng Diệu vẫn kiên trì. Được người anh họ là sinh viên Trường ĐH Văn Lang tiếp tục “dẫn lối” về tri thức, Diệu lại đăng ký tên mình vào lớp học về lập trình và thiết kế để 6 tháng sau có được chứng chỉ nghề đầu tiên trong cuộc đời. Đây cũng là “vốn liếng” quý báu để Diệu trở thành một lập trình viên đồ họa cùng người anh và một số bạn bè khuyết tật trong một tiệm chụp ảnh, thiết kế hình cá nhân trên các sản phẩm quà lưu niệm tại Bình Thạnh và Thủ Đức.
Từ ước mơ tới hiện thực
Thế nhưng, thành tích đáng nể hơn của Diệu là những tấm huy chương thể thao về các môn điền kinh trong mấy năm qua. Nhờ thường xuyên chơi cầu lông và tập chạy bộ nên Diệu đã trở thành một vận động viên chính thức của Hội Thể thao khuyết tật TP.HCM với các môn chạy 400m, nhảy xa và nhảy tam cấp. Năm 2007 ngay lần đầu tiên thi đấu tại TP.Huế, anh đã giành huy chương vàng chạy 80m, huy chương bạc môn nhảy tam cấp và huy chương đồng môn nhảy xa. Năm 2008, Hội thao người khuyết tật toàn quốc tại Quảng Trị vận động viên Trần Xuân Diệu lại giành được 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc về điền kinh. Năm 2009, tại Đà Nẵng anh lại giành tiếp 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Năm 2011 đoạt tiếp 1 huy chương đồng và 1 bạc. Đến năm 2014 Diệu lại giành được 2 huy chương vàng và huy chương bạc. Năm 2014 lấy lại phong độ Xuân Diệu tiếp tục giành được 3 huy chương vàng về nhảy cao, nhảy xa và nhảy tam cấp tại TP.Cần Thơ.
Trước đây, Xuân Diệu đã nuôi ước mơ thật đơn giản nếu sau này không thi đấu thể thao nữa thì về quê tìm một mặt bằng nhỏ mở tiệm chụp hình cưới, sản xuất đồ lưu niệm như người bạn Đinh Văn Phi bị liệt tay phải hiện đang ở Vũng Tàu để sinh cơ lập nghiệp và nuôi dưỡng bố mẹ già. Một ước mơ thật đẹp của một thanh niên khuyết tật đã biết tự tìm lối đi ngay dưới chân mình.
Hương Thủy
Bình luận (0)