Mỗi lĩnh vực đều đòi hỏi ở người học những năng lực, sở thích và khả năng thích nghi riêng của bản thân. Lựa chọn ngành nghề thế nào chính là thể hiện sự trân trọng cuộc đời của mình, quan trọng nhất là mình phải hiểu về nghề và hiểu về mình…
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) thông tin về các ngành nghề đào tạo hiện nay với học sinh Trường THPT Gia Định |
Đó là những lời khuyên hữu ích được các chuyên gia tư vấn đưa ra trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh). Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Hơn 3.000 ngành nghề, tha hồ lựa chọn!
Đây là thông tin được TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) đưa ra trong chương trình. TS. Mai cho biết hiện tại có hơn 3.000 ngành nghề ở khoảng 10 lĩnh vực, với khoảng 450 trường CĐ, ĐH đào tạo. Ở mỗi lĩnh vực lại đòi hỏi những tố chất và năng lực khác nhau. Để lựa chọn được một ngành nghề, một lĩnh vực phù hợp, các em không thể chỉ dựa vào sở thích mà còn là khả năng của bản thân, sự thích nghi với nghề.
“ĐH, CĐ yêu cầu rất cao về mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vậy phải học như thế nào, học ra làm sao để bước chân vào những ngành mà mình yêu thích ngoài năng lực vốn có của bản thân?”. Về câu hỏi này, theo TS. Mai, năm 2019 tới có thể rất nhiều trường ĐH sẽ thay đổi phương thức xét tuyển. Bên cạnh kết quả thi THPT quốc gia, còn là xét học bạ hoặc kết hợp giữa kết quả thi, điểm học bạ cùng kỳ thi đánh giá năng lực. Hoặc là một hình thức nào khác thích ứng với đặc thù của trường.
“Các trường đều mở rộng phương thức xét tuyển đầu vào tức là cơ hội học tập rất rộng mở với các em. Hơn 3.000 ngành nghề, tha hồ các em lựa chọn. Thế nhưng, thực tế là giữa quá nhiều phương thức xét tuyển, chính các em lại cũng không biết rõ bản thân mình phù hợp với phương thức nào, nên lựa chọn phương thức nào. Từ điều đó, chính các em làm mất đi cơ hội được học ngành nghề yêu thích của bản thân”, TS. Mai chia sẻ.
Cùng chung nhận định với TS. Mai, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An (giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM) nhìn nhận rằng đã đến lúc các em cầm lấy cây bút để viết nên câu chuyện cuộc đời mình, tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. “Ngành nghề phải phù hợp với năng lực, năng lực phải phù hợp với sở thích, và đặc biệt là đừng dại “vứt đi” đam mê là bộ ba hoàn hảo để lựa chọn cho mình một ngành nghề tốt. Nhưng trên hết, hãy đảm bảo rằng mình hiểu nghề và hiểu về mình”, ông An chia sẻ.
Chỉ học sư phạm mới có thể trở thành giáo viên
Trước thắc mắc của học sinh trong trường: “Làm sao để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên”, TS. Lê Thị Thanh Mai thông tin, muốn theo đuổi ngành sư phạm chỉ có con đường duy nhất là học trường sư phạm mới có thể trở thành giáo viên. Còn nếu băn khoăn thì các em nên lựa chọn những ngành có nhiều hướng đi.
Theo TS. Mai, người theo nghề giáo phải biết chấp nhận những khó khăn, thách thức mà nghề sẽ gặp phải. Bên cạnh đó, bản thân phải có năng lực, luôn biết lắng nghe và không bao giờ được nạt nộ học sinh. Cùng với đó là sự chỉn chu về ngoại hình, có khả năng về ngôn ngữ, diễn đạt tốt. “Quan trọng nhất vẫn là cân nhắc khả năng của mình và tố chất của nghề để có lựa chọn đúng đắn”, TS. Mai khuyên.
Bổ sung thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) chia sẻ rằng không riêng gì ngành sư phạm mà bất cứ ngành nghề nào, nếu đã xác định theo thì các em phải chủ động trang bị các kỹ năng ngay từ bây giờ chứ không phải đợi đến khi vào ĐH mới trang bị. “Với mong muốn trở thành giáo viên, để xác định xem bản thân có phù hợp hay không thì ngay từ bây giờ các em hãy tìm lấy một bạn học yếu và kèm bạn đó, nếu bạn tiến bộ chứng tỏ em có tố chất. Còn về kỹ năng, mỗi ngày đến trường hãy xem thầy cô mình dạy như thế nào mà học. Chính bản thân tôi cũng đã từng “lượm lặt” như thế. Chỉ có như vậy, năng lực bản thân mới cải thiện rất nhanh. Năng lực nghề sẽ trở thành tố chất của các em”, TS. Tùng bật mí.
Theo TS. Tùng, điều “tai hại” nhất hiện nay là các bạn trẻ có xu hướng chọn nghề theo đám đông, chưa hiểu rõ được tính cách, sở thích của bản thân. Có những người cả đời vẫn loay hoay đi tìm đam mê của bản thân mà không biết được rằng, đam mê là chính mình trải nghiệm từ chính yêu thích của bản thân. “Bản thân mỗi em đều tiềm ẩn những trí thông minh riêng biệt, phù hợp với các ngành nghề khác nhau, được thể hiện qua các môn học mà các em yêu thích và tính cách của chính mình. Hãy chịu khó khám phá chính bản thân mình, các em sẽ tìm được ngành nghề phù hợp”, TS. Tùng nhắn nhủ.
Lắng nghe mọi người xung quanh
Lời khuyên được các chuyên gia đưa ra cho học sinh trong trường về việc tìm ra khả năng thích nghi của bản thân với nghề là hãy “lắng nghe mọi người xung quanh”. “Các bài trắc nghiệm tính cách, nghề nghiệp chỉ có hiệu suất phù hợp ở mức 60-65%, phần còn lại phụ thuộc vào chính bản thân các em. Muốn biết khả năng của mình tốt nhất là gì, đừng ngần ngại hãy hỏi những người xung quanh như bè bạn, thầy cô, gia đình”, các chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, nếu đã sử dụng hết tất cả các hỗ trợ mà vẫn băn khoăn về khả năng của bản thân thì hãy dũng cảm “dừng lại một chút xíu để lắng nghe và tìm kiếm chính bản thân mình, cho chính mình một cơ hội được trải nghiệm”. Ví dụ, dừng lại một năm để học ngoại ngữ, đi du lịch, học nấu ăn… Hoặc cũng có thể, lựa chọn những ngành nghề theo xu hướng của tương lai như ngoại ngữ. Song song đó, trong chính quá trình va chạm với cuộc sống để chọn ra một hướng đi phù hợp.
Yến Hoa
Bình luận (0)