Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Điều tiết vắc-xin, đối tượng ưu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bộ Y tế sẽ thống nhất với các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết tổng số vắc-xin COVID-19 trong kế hoạch, điều tiết đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra phòng dịch tại Đồng Nai. Ảnh: Khôi Nguyễn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra phòng dịch tại Đồng Nai. Ảnh: Khôi Nguyễn

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên hôm qua cho biết, Kết luận 07 của Bộ Chính trị cho phép Bộ Y tế đứng ra tiếp cận, cung ứng vắc-xin COVID-19 tiêm cho người dân và cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vắc-xin tiêm cho người dân. Tuy nhiên, tất cả các nguồn vắc-xin đó đều phải được Bộ Y tế kiểm định về chất lượng và cấp phép thì mới được nhập vào Việt Nam, mới được lưu hành, tiêm cho người dân.

Để tránh tình trạng cạnh tranh mua vắc-xin giữa doanh nghiệp và Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ thống nhất với các địa phương, các doanh nghiệp để điều tiết tổng số vắc-xin trong kế hoạch, điều tiết đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự, để làm sao vắc-xin do Bộ Y tế tiếp cận, đàm phán, cung ứng, hay vắc-xin do địa phương, hoặc do doanh nghiệp tiếp cận thì đều nằm trong tổng số vắc-xin đã được duyệt. Các đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự cũng thực hiện theo hướng dẫn từ Bộ Y tế. Đây là chiến dịch tiêm chủng trong phòng chống dịch, chưa phải tiêm chủng mở rộng, nên đối tượng nào tiêm trước, tiêm sau cần phải có một đơn vị điều tiết.

Ông Tuyên cho biết, từ nay đến cuối năm, khi lượng vắc-xin về đủ (khoảng 110-150 triệu liều), trong 3 đến 6 tháng còn lại của năm, ước tính mỗi ngày sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều. Ông khẳng định, nhân lực tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin giai đoạn này đã được chuẩn bị đầy đủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chậm nhất tháng 6/2022 phải có vắc-xin nội

Chiều 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các công ty, đơn vị báo cáo về việc chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất các loại sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có vắc-xin và các sản phẩm phòng chống COVID-19. Một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vắc-xin trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vắc-xin quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế đang thúc đẩy Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. “Phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin nói chung và trước mắt là vắc-xin COVID-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6/2022 phải có vắc-xin COVID-19 sản xuất trong nước”, Thủ tướng nói.

Thái Hà

Ðồng Nai đề nghị ưu tiên vắc-xin cho công nhân

Sáng 24/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, họp trực tuyến với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. “Với đặc thù của tỉnh Đồng Nai, nếu dịch bệnh xâm nhập sẽ cực kỳ khó khăn. Do đó, phải kiểm soát chặt chẽ người từ TPHCM, Bình Dương đến và ngược lại. Kiểm soát chặt không có nghĩa ngăn sông cấm chợ”, ông Đam chỉ đạo.

Đồng Nai đề nghị Bộ Y tế ưu tiên vắc-xin để địa phương tiêm cho công nhân; có cơ chế phối hợp với các địa phương lân cận (TPHCM, Bình Dương) để hạn chế người di chuyển tránh lây lan giữa các địa bàn. Đồng Nai hiện có khoảng 1,2 triệu công nhân, trong đó có 600.000 người làm việc trong các khu công nghiệp. Tỉnh đã chuẩn bị 20 khu cách ly tập trung với năng lực tiếp nhận khoảng 5.000 người; chuyển đổi công năng Bệnh viện Phổi Đồng Nai thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19. Nếu cần thiết, tiếp tục chuyển đổi công năng Bệnh viện Da liễu Đồng Nai… Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Đồng Nai có 3 đơn vị xét nghiệm khẳng định COVID-19, năng lực đạt khoảng 5.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 50.000 mẫu gộp 10 mẫu đơn/ngày. Thời gian tới, dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, có thể nâng công suất lên 12.000 mẫu đơn/ngày.

Bộ Y tế cho biết, trong ngày 24/6, Việt Nam ghi nhận 285 ca mắc COVID-19, gồm 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hoà (4), Tây Ninh (1), Hà Nội (1). 279 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (162), Bình Dương (27), Bắc Giang (28), Bắc Ninh (7), Thái Bình (5), Tây Ninh (2), Long An (2), Hưng Yên (2), Khánh Hoà (1), Đà Nẵng (20), Tiền Giang (9), Phú Yên (8), Nghệ An (5), Hải Phòng (1); trong đó 260 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Cùng ngày, Bộ Y tế thông báo mới có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Theo Hà Minh/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)