Bệnh nhân chờ khám ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: Quang Phan |
Nắng nóng, người lớn lẫn trẻ em đều rất dễ bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng (viêm da kích ứng), và bệnh giời leo (Zona thần kinh). Tuy nhiên, người dân thường dễ bị nhầm lẫn giữa bệnh viêm da kích ứng với bệnh giời leo.
Bệnh viêm da kích ứng – Không nên tự chữa tại nhà
BS. Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, với bệnh viêm da kích ứng là viêm da do tiếp xúc với côn trùng hoặc viêm da do tiếp xúc với hóa chất.
Viêm da kích ứng thường không có biểu hiện ngay, sau một thời gian da tiếp xúc với côn trùng hoặc hóa chất mới bắt đầu có biểu hiện. Cảm giác của người bệnh là bỏng rát, mụn nước hoặc mụn mủ, thành vệt dài, không phân bố theo đường dây thần kinh, ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhất là những vùng da hở. Đặc biệt, viêm da kích ứng thường có dấu hiệu phù nề.
Khi bị viêm da kích ứng, người bệnh thường tìm đến cách chữa dân gian. Theo BS. Doanh thì: “Tôi không ủng hộ phương pháp này. Khi bị viêm da kích ứng cách tốt nhất nên tìm đến BS. Vì chữa theo cách dân gian nếu không vệ sinh sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng làm tổn thương sâu hơn các vùng da bị bệnh. Như thế sẽ lâu khỏi và để lại di chứng như sẹo. Viêm da kích ứng thường bị ở vùng da hở. Do đó, người dân cần vệ sinh tay chân sạch sẽ. Không được lấy tay giết hoặc bắt các loại côn trùng. Thường xuyên rửa tay sạch. Khi đã bị bệnh, không nên tự chữa. Những người bị bệnh này lâu khỏi cần đi xét nghiệm các loại bệnh khác”.
Bệnh giời leo – Nên khám 72 giờ đầu
BS. Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh giời leo là do virus varicella-zoster – cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu. Sau khi đã bị bệnh thủy đậu, virus này nằm không hoạt động (ngủ) trong mô thần kinh gần tủy sống và não. Nhiều năm sau, virus có thể kích hoạt lại gây bệnh. Có nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung lại là do hệ miễn dịch bị suy yếu, virus có dịp phát bệnh. Khác với các bệnh liên quan đến viêm da do tiếp xúc, bệnh Zona thần kinh chỉ xuất hiện ở một nửa cơ thể ở vùng da theo dây thần kinh. Có thể ở mặt, ở cổ, ở sườn, ở đùi…. Biểu hiện của bệnh là bệnh nhân rất đau và xuất hiện những mụn nước thành từng mảng đan vào nhau như chùm nho. Tuy nhiên, tùy mức độ mà có thể xuất hiện những vết trượt hoặc vết loét. Và cũng tùy theo tình hình sức khỏe của từng người mà bệnh có thể khỏi sau nửa tháng, một tháng hoặc thậm chí hơn. Nhưng với nhiều người, bệnh có thể không có biểu hiện ở ngoài da nhưng vẫn đau dây thần kinh, có khi phải một năm sau mới khỏi hẳn.
Theo BS. Phạm Đăng Trọng Tường – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM thì: “Triệu chứng dễ thấy nhất của bệnh giời leo là bề ngoài da bị sang thương, nổi mụn nước, mọc từng chùm theo dây thần kinh. Do được phân bổ theo nhánh dây thần kinh nên giời leo chỉ xuất hiện một bên nào đó của cơ thể như miệng, mặt, thân mà thôi. Cùng với các triệu chứng bề ngoài, bệnh nhân thường mệt mỏi, hoặc bị cảm cúm đôi khi đau vùng bị nổi mụn nước trong hai ngày sau. Đối với người có sức khỏe thường có khi bệnh sẽ tự hết nhưng đối với người lớn tuổi, cơ thể suy nhược, thần kinh căng thẳng, bệnh nhân có sức đề kháng giảm như bị căn bệnh HIV thì cơn đau kéo dài và gây khó ngủ. Ngoài đau tự nhiên bệnh nhân có thể bị đau nặng hơn nếu cọ xát vào vùng bị sang chấn đó. Khi phát hiện mình bị mắc bệnh giời leo, tốt nhất bệnh nhân cần đến bệnh viện khám trước 72 giờ đầu. Bệnh nhân sẽ được BS cho thuốc kháng siêu vi thì việc cứu chữa lúc đó đơn giản hơn do thuốc vẫn có tác dụng. Ngoài ra, còn có thêm thuốc giảm đau, kháng viêm, nhóm vitamin B, C có tác dụng nâng đỡ tổng trạng. Để ngăn chặn vết loét phải dùng thuốc ngừa bội nhiễm hoặc có thể bôi khô bằng dung dịch có màu. Để sức khỏe bớt mệt mỏi, bệnh nhân cần có thời gian nghỉ ngơi, không làm việc nhiều đặc biệt là không nên kiêng cữ mà vẫn ăn uống, vệ sinh tắm rửa bình thường. Chú ý không được tự tay chích mụn nước, không cho người khác tiếp xúc trực tiếp lên vết thương”.
Bệnh giời leo lâu lành là do sức đề kháng kém và nếu không cẩn thận thì dễ có biến chứng làm cho sợi dây thần kinh biến đổi và dẫn đến ảnh hưởng tới chức năng thần kinh. Lúc đó cơn đau sẽ kéo dài hơn và phải dùng thuốc theo chỉ định của BS điều trị vì các loại thuốc thường không có tác dụng mạnh.
“Như trên đã nói bệnh giời leo ban đầu thường chỉ xuất hiện 1 bên, ít khi lan sang đường giữa. Nếu lan sang cả 2 bên là bệnh đã rất nặng, cần phải tầm soát kỹ và kịp thời nhất là những người mắc căn bệnh HIV bị suy giảm sức đề kháng. Bệnh ít khi điều trị nội trú mà chủ yếu là ngoại trú đi về. Nếu cần điều trị tại chỗ thì phải nhập vào khoa đau để theo dõi liên tục. Không nên nghe lời rỉ tai đồn thổi đi khoán để vẽ vòng mong mau hết bệnh vì thiếu cơ sở khoa học. Đôi khi bệnh dứt là do ngẫu nhiên hoặc nhờ tác dụng của thuốc đã được điều trị trước đó” – BS. Tường khuyến cáo!
Nghiêm Huê – Quang Phan
Bình luận (0)