Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Điều trị bỏng phải đúng cách

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trẻ em rất dễ bị bỏng nếu người lớn thiếu sự quan tâm. Ảnh: T.HIỀN  

Bỏng (hay còn gọi là phỏng) là một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn nhưng vẫn thường gặp. Tuy nhiên, có một điều quan trọng mà ít người quan tâm là việc tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất để sơ cứu tại chỗ các vết bỏng trước khi đi cấp cứu ở bệnh viện. 
Sơ cứu phù hợp
Vừa qua, trong lúc làm thịt gà để cúng giỗ người vợ đã mất cách đây 2 năm, anh Nguyễn Xuân H., công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương đã vô tình giẫm vào nồi nước sôi để ngay phía sau lưng. Chỉ một chút sơ ý mà toàn bộ bàn chân trái của anh H. bị bỏng nặng. Theo lời khuyên của bố, anh liền nhúng chân nhẹ vào một chậu nước lạnh sạch khoảng 30 phút để giảm độ nóng ngay chỗ bị bỏng. Sau đó, anh được người nhà chở ra trạm y tế phường sơ cứu rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức để điều trị. Tại đây, anh H. được các BS kết luận bị bỏng ở cấp độ 2. Nhờ điều trị đúng cách và kịp thời nên những vết bỏng trên chân anh H. không bị nhiễm trùng và dần dần khô lại, lành sẹo. 
Cùng chung “số phận” như anh H., một lần do bất cẩn trong lúc đốt rác, anh Hoàng Bá N. – ngụ đường Hoàng Hữu Nam, P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM bị bỏng lửa ở bàn tay trái. Vì nghe lời hàng xóm nên anh đã sơ cứu vội vàng bằng cách lấy chai nước mắm dội lên tay. Tuy nhiên, đây là một việc làm vô cùng nguy hiểm vì nó dễ gây nhiễm trùng cho vết bỏng. Chính vì thế dù bị bỏng cấp độ 1 nhưng vết thương cứ kéo dài rất khó lành. BS. Trần Đoàn Đại, Trưởng khoa Phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khi bị bỏng chúng ta phải sơ cứu nhanh vừa để hạn chế tổn thương vừa tránh được nhiễm trùng lâu dài. Khi thực hiện các thao tác sơ cứu, người nhà cần dựa trên những kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu và sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu, nhất là bị bỏng ở cấp độ 2 và cấp độ 3.  Việc phân chia 3 cấp độ bỏng – theo BS. Đại – phụ thuộc vào các yếu tố như: Độ sâu, diện tích và vị trí của vết bỏng. Nhưng thực tế cho thấy có một số người do thiếu hiểu biết, chỉ nghe qua kinh nghiệm truyền miệng thiếu cơ sở khoa học đã để xảy đến tình trạng “cái sảy làm nảy cái ung”. Không chỉ dùng nước mắm như anh N., có người còn lấy cả xà phòng bột, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá và cả kem đánh răng… để thoa vào vết bỏng, gây ra hậu quả khó lường. Theo dân gian thì khi bị bỏng, không nên chạm vào nước. Nhưng thực tế cho thấy, nước có tác dụng giúp vết thương hạ nhiệt ngay tại chỗ đồng thời ngăn chặn vết thương không còn cơ hội ăn sâu vào bên trong. Nhờ đó mà người bệnh bớt đau rát và giảm được cả nguy cơ sốc. Còn để tránh nhiễm trùng thì có thể lấy băng y tế băng ép lại để hạn chế vết thương bị phồng rộp.
Cẩn trọng với các tác nhân gây bỏng
BS. Trần Đoàn Đại cho biết: “Điều trị tại chỗ tổn thương bỏng có nhiều loại thuốc nhưng cơ bản là các loại thuốc sau: Thuốc kháng khuẩn, thuốc se khô tạo màng, thuốc làm rụng hoại tử, thuốc kích thích quá trình tái tạo và biểu mô hóa, các vật liệu sinh học che phủ tạm thời vết bỏng. Để mau lành vết thương và giảm bớt sẹo bỏng nên dùng các loại thuốc kem nghệ,  mỡ cao vàng có tác dụng kích thích tái tạo vết bỏng. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc này phải tuân thủ theo chỉ định của BS”. Ngoài bỏng nước sôi, bỏng lửa, các loại bỏng khác như bỏng axít, bỏng do điện giật rất nguy hiểm và khó chữa trị nên chúng ta phải cẩn thận trong quá trình làm việc và tiếp xúc với các tác nhân gây bỏng. Đặc biệt, cần quan tâm đến trẻ em và người già vì tỷ lệ bệnh nhân bị bỏng ở lứa tuổi này chiếm đại đa số do thiếu sự quan tâm. Bởi lẽ, điều trị bỏng mất nhiều thời gian, rất tốn kém và đặc biệt đau đớn luôn kéo dài.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)