Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Điều trị chứng mộng du

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người bị mộng du thường cóhành vi vô thức như đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ… (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.LÊ

Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ (một loại rối loạn giấc ngủ) thường xuất hiện ở trẻ em từ 3-12 tuổi và 10-20% xuất hiện ở người lớn. Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Mộng du có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.

Những yếu tố liên quan đến mộng du
Mộng du xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ, vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ (giấc ngủ sâu), thường kéo dài vài giây đến 30 phút. Người bệnh đang ngủ bất chợt ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài… Mộng du không nguy hiểm, nhưng các hành vi vô thức có thể gây ra nguy hiểm: tự gây tổn thương cho chính bản thân mình và những người xung quanh, có thể bị té ngã khi trèo qua cửa sổ…
Đối với trẻ em thì yếu tố gây nên mộng du là stress, lo lắng, căng thẳng, do ảnh hưởng triệu chứng từ tiền sử gia đình; trẻ em thiếu ngủ hoặc ngủ trễ, giấc ngủ bị đảo lộn, mất ngủ có thể làm tăng số lần và tính phức tạp của mộng du. Có nhiều trường hợp mộng du xảy ra trong giấc ngủ chập chờn hơn là giấc ngủ bình thường; do bệnh sốt, động kinh hoặc những rối loạn ở trẻ trong lúc tăng trưởng có liên quan đến tuổi dậy thì. Đối với người lớn, tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu bia, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ. Ở người già có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não, các bệnh mạch máu não, đau nửa đầu (đặc biệt là ở phụ nữ). Mới đây, có những nghiên cứu cho thấy, mộng du có yếu tố di truyền trên một gen có tên là HLA BQB1*05. 50% người bị mộng du có mang gen này, đây là gen được giải thích có tham gia trong điều hòa hệ thống miễn dịch, nó cho phép phân biệt được tế bào của cơ thể và tế bào bên ngoài. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu thêm nữa để xác định chính xác mối quan hệ giữa mộng du và gen này. Từ đó nhiều người tự hỏi, liệu mộng du có phải là một bệnh tự miễn hay không, nghĩa là gây ra do sai lệch chức năng của hệ thống bảo vệ cơ thể.
Mộng du có điều trị được?
Đối với trẻ em, khi bị mộng du cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Đầu tiên, đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ vệ sinh, sau đó đưa trẻ về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường. Không nên tạo ra căng thẳng, stress, tránh bạo lực với trẻ vào buổi tối. Giúp trẻ ngủ đúng giờ điều độ, môi trường ngủ thích hợp. Nếu con bạn thường bị mộng du, nên ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa. Nếu trẻ xảy ra  nhiều cơn mộng du trong thời gian ngắn thì phải đưa ngay đến các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tâm lý để được điều trị kịp thời, tránh những hậu quả về sau.
Những trường hợp ở tuổi trưởng thành, cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên. Để an toàn cho người bệnh, nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then. Nên có chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người nhà khi bệnh nhân mở cửa. Khi đó, cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ, không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động, để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc. Nếu xảy ra nhiều cơn trong thời gian ngắn, phải đến khám bác sĩ để được dùng thuốc benzodiazépines, diazepam, lorazepam để loại bỏ cơn bằng cách loại trừ giai đoạn ngủ sâu. Nhưng hiệu quả của các thuốc này có giới hạn do quen thuốc.
TS-BS Nguyễn Hoài Nam
(BV ĐH Y Dược TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)