Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Dìm” ảo, bi kịch thật

Tạp Chí Giáo Dục

Lá thư viết gửi gia đình trước khi tự tử của em T.L
Không chỉ nghiện mạng xã hội, nhiều người còn nghiện luôn thói miệt thị, nhục mạ người khác tàn bạo không thua gì giang hồ thứ thiệt. Các “đầu gấu” trong thế giới ảo vô tình hoặc cố ý đã đẩy nhiều nạn nhân tới bước đường cùng…
Nhục vì những kẻ xấu xí
Còn nhớ cách đây không lâu, có một sự kiện khiến những người chơi facebook tử tế và các fan bóng đá “sôi” lên trước thông tin trang mạng xã hội của CLB Bóng đá Consadole Sapporo (Nhật Bản) phải năn nỉ các fan Việt Nam thôi gửi những comment bôi nhọ, bêu xấu cầu thủ Lê Công Vinh mà họ vừa kí hợp đồng chưa ráo mực.
Nguyên văn (viết bằng tiếng Việt) đăng trên facebook của CLB Consadole Sapporo như sau: “Cảm ơn các bạn Việt Nam đã luôn quan tâm và ủng hộ cầu thủ Lê Công Vinh cũng như CLB Bóng đá Consadole Sapporo. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn rất nhiều những comment của các bạn, nhưng xin lỗi các bạn rằng từ nay chúng tôi sẽ xóa những bình luận có ngôn từ không tốt, không hay. Rất mong các bạn thông cảm, tiếp tục ủng hộ và cổ vũ”…
Khi cầu thủ Lê Công Vinh được CLB này mời sang Nhật Bản thi đấu, đã có rất nhiều lời nói ra nói vào, người thì vui mừng vì cho rằng đây là cơ hội cho anh ra biển lớn để cọ xát và học hỏi kinh nghiệm ở đất nước có trình độ bóng đá cao; nhưng cũng có người chê bai anh ra đi vì tiền, vì quảng cáo cho bia bọt… Tuy nhiên, những comment quá lố, thiếu văn hóa nhằm vào ngôi sao bóng đá, cũng là niềm tự hào của Việt Nam để sau đó người Nhật phải “dạy” cho các tín đồ mạng xã hội qua một thông báo viết bằng tiếng Việt như thế thì thật sự làm cho những người có văn hóa cảm thấy nhục nhã.
Thật sự mà nói, ngoài đời và cả trên sân bóng, Lê Công Vinh là mẫu cầu thủ dễ thương và có nhiều đóng góp lớn cho đội tuyển Việt Nam, nhưng chẳng hiểu vì sao trên facebook đầy rẫy những hội rất quái gở nhắm vào anh kiểu như “Hội những người đề nghị Công Vinh giải nghệ” hiện có gần 8.000 like thường đăng tải những lời bình luận và hình ảnh của anh và vợ (ca sĩ Thủy Tiên) với lời lẽ xuyên tạc, bêu xấu.

 

 
Không chỉ Lê Công Vinh, nhiều “sao” khác cũng dính kiểu ném đá bầy đàn này, ngay cả các thầy cô nào nghiêm khắc với học trò quá cũng bị lập fanpage chống đối, bôi nhọ rất mệt mỏi.
Bạn Hoàng Trung (sinh viên Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) phẫn nộ: “Bên cạnh những tính tốt, người Việt mình có thói xấu là hay “ghen ăn tức ở”, thích châm chọc người khác. Ngày nay, họ biến mạng xã hội thành công cụ để thỏa mãn sở thích xấu xí vô văn hóa mà không cần biết đến những hậu quả đằng sau nó”.
Như thế là độc ác
Cũng vì bị các “đầu gấu” thế giới ảo xỉa xói, xúc phạm khiến không ít cô cậu học trò không chịu nổi sức ép dư luận phải tự vẫn. Trong rất nhiều các vụ tự tử xuất phát từ những giang hồ ảo trên mạng xã hội có thể kể vài vụ cách đây không lâu, từng khiến cư dân mạng xôn xao và cơ quan chức năng phải vào cuộc. Em N. (học sinh Trường THPT T.P, Đà Nẵng) vì không chịu nổi những lời xuyên tạc, xúc phạm danh dự dựng chuyện có con khi đang học, hay đi học kênh kiệu, chảnh chọe, không hòa đồng… được đăng trên trang facebook nên quẫn trí uống thuốc ngủ tự tử. May mà em được người nhà phát hiện kịp thời, nếu không tính mạng khó giữ.

Những dòng cuối cùng của một bạn trẻ trước khi tự tử
Một vụ tự tử thương tâm khác đã xảy ra cũng xuất phát từ những lí do tương tự.  Em  T.L (sinh năm 1995, học sinh lớp 12 Trường THPT T., Hà Nội) bị bạn cùng lớp chụp ảnh chân dung rồi ghép vào ảnh mặc áo cổ rộng, sau đó đưa lên mạng xã hội facebook cho bạn bè nghía và giễu cợt. L. yêu cầu H. – tác giả chụp các bức ảnh đưa lên mạng – gỡ ảnh xuống nếu không sẽ tự tử. Thế nhưng H. lại dửng dưng không làm theo, thậm chí còn thách thức nên trong lúc buồn chán nghĩ quẫn, cô học trò học giỏi đã uống thuốc diệt cỏ. Dù gia đình kịp thời phát hiện đưa L. đi cấp cứu nhưng em đã tử vong sau đó để lại biết bao đau thương cho gia đình, thầy cô và bạn bè.
Chừng nào các cơ quan chức năng chưa đưa ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng để trừng trị bọn “đầu gấu” lợi dụng thế giới ảo nhục mạ, đe dọa người khác thì sẽ còn nhiều người nhất là các bạn trẻ tội nghiệp khác tiếp tục là nạn nhân của chúng…
Đáng phẫn nộ hơn, trong lúc em N. nằm viện hay L. đã ra đi tức tưởi, mọi người đang phừng phừng phẫn nộ thì một vài đứa trong bọn chúng lại lạnh lùng đăng dòng status: “Uống 1-2 viên thuốc ngủ rồi giả vờ chóng mặt, nôn ọe, xong kêu là mình tự tử. Sến quá em ơi” hoặc “Em muốn lên báo, muốn nổi tiếng thì nói đại cho rồi. Loại như em mà tự tử được thì trời sập. Cả xóm em còn lạ gì cái mặt mốc của em mà phải lên báo thêm thắt cho thêm nhục vậy em?”. 
Không thể phủ nhận, mạng xã hội ra đời đã mang lại niềm vui chia sẻ, giao lưu kết bạn cho hàng triệu triệu người trên khắp thế giới. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng bắt đầu “nóng” với những trò đùa quá lố, thậm chí là sở thích bắt nạt người khác không khác gì giang hồ thứ thiệt ngoài xã hội để lại rất nhiều hậu quả xấu đau lòng cho cá nhân, gia đình và cả xã hội. Chúng ta kiên quyết lên án loại bỏ những kẻ vô văn hóa, muốn mượn mạng xã hội để làm nhục người khác làm niềm vui của riêng mình.
Bài, ảnh: Uyên Uyên
Tìm cái chết vì không chịu nổi lời miệt thị
Hannah Smith, 14 tuổi (ở hạt Leic, Anh) đã tự tử vì không chịu nổi những lời châm chọc của bạn bè trên mạng. Cô bé dễ thương này lên trang ask.fm (một trang mạng xã hội khá nổi tiếng dành cho thanh thiếu niên, trung bình mỗi ngày có thêm 200.000 người sử dụng mới) để tìm kiếm lời khuyên về bệnh chàm, nhưng những gì cô bé nhận được lại là một loạt những lời miệt thị, khinh bỉ như “đi chết đi”, “nghiêm túc là mi quá xấu xí”… Thậm chí một thiếu niên còn đưa ra “lời khuyên” muốn chữa dứt thì nên “uống thuốc tẩy, treo cổ tự tử”. Vốn đã mặc cảm về bản thân, Hannah quẫn trí và tự tử thật. Tàn nhẫn hơn khi Hannah chết, những kẻ độc mồm độc miệng này vẫn tiếp tục giễu cợt: “Đáng đời”, “chết là đúng”, “tôi rất vui cô ấy chết”…
Cô bé xinh đẹp, học giỏi Natasha MacBryde – một học sinh 15 tuổi tại Worcestershire (Anh) – đã tự tử trên một tuyến đường sắt cách nhà em 150m sau khi nhận được một tin nhắn chế nhạo lăng mạ và đe dọa trên một trang mạng xã hội. Ngoài ra, Natasha cũng có một “bất đồng” trên facebook xảy ra trong cùng ngày và những tin nhắn nặc danh đã góp phần quan trọng dẫn đến cái chết của Natasha. 
 
 

Bình luận (0)