Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dĩn đốt có truyền bệnh?

Tạp Chí Giáo Dục

 

Nhà tôi có sân vườn rộng rãi, trồng nhiều cây tạo bóng mát nhưng khi ra ngoài vườn ngồi nghỉ ngơi, thư giãn thường hay bị sự phiền hà do có một loại côn trùng bay thành đám quanh đầu rất khó chịu nhất là khi vài ngày tôi chưa kịp gội đầu. Mọi người ở quê tôi gọi loài côn trùng này là con dĩn (mò mắt). Vậy loại côn trùng này khi đốt có khả năng truyền bệnh không?
Trần Hữu Đông (Quảng Trị)
 
Mò mắt là tên gọi của loại côn trùng này theo tiếng địa phương. Thực tế nó là loài dĩn chích đốt (Biting midges), tên khoa học là Ceratopogonidae, kích thước khoảng 1,5mm. Dĩn chích đốt mồi bất cứ lúc nào, ban ngày cũng như ban đêm. Vì có vòi ngắn nên nó không chích đốt được xuyên qua quần áo; thường thấy bay thành đám quanh đầu và chích đốt vào mặt. Các phần khác của cơ thể không được che phủ bởi quần áo cũng có thể dễ bị loài dĩn chích đốt. Phần lớn dĩn đều có tập tính ưa thích đốt mồi ngoài nhà và thường gây mối phiền hà, khó chịu cho con người. Do có kích thước nhỏ nên loài dĩn chích đốt có thể dễ dàng chui qua các loại màn ngủ thông thường. Dĩn có khả năng truyền bệnh Mansonellosis rất hiếm gặp và thường không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Vai trò truyền bệnh của nó đang được các nhà khoa học nghiên cứu nhưng hiện nay hoạt động chích đốt mồi của chúng gây phiền hà cho sinh hoạt của con người. Để phòng tránh dĩn bay thành đám quanh đầu, chích đốt máu, gây phiền hà; cần gội đầu, tắm rửa vệ sinh hằng ngày, không ở trần, có thể dùng các loại hóa chất xua côn trùng thông thường nếu có hoạt động ở ngoài trời và những nơi có nhiều loài dĩn hoạt động.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Theo Sức khoẻ & Đời sống

 

 

Bình luận (0)