Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2012, các cơ sở giáo dục ĐH sẽ được tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh (CTTS). PV đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Áng (ảnh) – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm 2011 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Xin ông cho biết quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở đào tạo trong việc xác định và thực hiện CTTS hằng năm như thế nào?
Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xác định CTTS trên cơ sở các tiêu chí quy định là số sinh viên tính trên một giảng viên và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của trường.
Trong tự chủ tuyển sinh có 2 nội dung cơ bản là tự chủ về số lượng và phương thức tuyển sinh. Quy định giao cho các trường được tự chủ về số lượng tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình từng bước giao quyền tự chủ cho các trường. Sau khi nhận được đăng ký CTTS, Bộ GD-ĐT thông báo CTTS năm sau cho từng cơ sở đào tạo trước ngày 31.12 hằng năm.
Nếu gian lận như: kê khai giảng viên hay diện tích sàn xây dựng cao hơn thực tế, hoặc kê khai quy mô đào tạo các hệ chính quy thấp hơn thực tế thì tùy theo mức độ sẽ bị đình chỉ tuyển sinh một số ngành hoặc đình chỉ tuyển sinh cả trường trong năm đó, đồng thời bị xử phạt theo quy định " |
|
Ông Nguyễn Văn Áng – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD-ĐT
|
Như vậy, có khả năng các trường sẽ được giữ nguyên những chỉ tiêu của mình, không bị Bộ GD-ĐT điều chỉnh như trước đây?
Khi chúng tôi tổng hợp kết quả đăng ký của các trường trên phạm vi cả nước, nếu có những khác biệt quá lớn so với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cũng như kế hoạch và nhu cầu nguồn nhân lực của cả nước, chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao cho ngành, thì Bộ có thể trao đổi với một số cơ sở đào tạo cụ thể để có những sự điều chỉnh cần thiết nhất định.
Theo quy định mới thì tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao hơn so với những năm trước đây. Ví dụ, năm 2010 tỷ lệ này ở một số nhóm ngành tối đa chỉ 20 nay tăng lên 25… Xin ông cho biết vì sao lại có sự điều chỉnh “thụt lùi” về điều kiện đảm bảo chất lượng như vậy?
Tiêu chí về tỷ lệ sinh viên/giảng viên không hẳn là nâng lên. Trước đây khi xác định CTTS tính cả giảng viên thỉnh giảng, quy định mới chỉ tính giảng viên cơ hữu. Vì vậy, trên bình diện chung thì mức đó đã có yêu cầu cao hơn trước đây.
Trước đây có sự kiểm duyệt của Bộ GD-ĐT về chỉ tiêu nhưng các trường vẫn thực hiện không nghiêm túc. Nay nếu được tự chủ liệu có xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh ồ ạt hay không?
Điểm mới trong quy định này là Bộ không can thiệp vào việc tính toán chỉ tiêu của các trường. Trước đây các trường tính, Bộ cũng tính nên Bộ cũng phải chịu trách nhiệm mặc dù Bộ không có điều kiện kiểm tra tính chính xác của các số liệu mà các trường gửi lên. Quy định mới xác định rõ trách nhiệm của nhà trường. Bộ làm công việc quản lý nhà nước là ban hành các quy định và kiểm tra thực hiện. Sau này, công tác hậu kiểm phải được tăng cường. Với quy định này, các trường buộc phải tính toán nghiêm túc và thực hiện đúng chỉ tiêu đã đăng ký vì quy định hình thức xử lý rất nặng.
Quy định xử phạt về chỉ tiêu cũng đã được thực hiện từ nhiều năm trước nhưng không mấy hiệu quả. Vậy lần này Bộ GD-ĐT sẽ có hình thức xử lý như thế nào đối với những trường không tuân thủ quy định?
Việc giao quyền tự chủ phải đi kèm với chế tài. Hiện Bộ đưa ra 2 mức xử phạt đối với các trường vi phạm. Nếu gian lận như: kê khai giảng viên hay diện tích sàn xây dựng cao hơn thực tế, hoặc kê khai quy mô đào tạo các hệ chính quy thấp hơn thực tế thì tùy theo mức độ sẽ bị đình chỉ tuyển sinh một số ngành hoặc đình chỉ tuyển sinh cả trường trong năm đó, đồng thời bị xử phạt theo quy định. Khi nào phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý, dù sai phạm xảy ra vào thời điểm nào. Nếu tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì sẽ bị trừ vào năm sau.
Các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Bộ GD-ĐT đã công bố Thông tư quy định về việc xác định CTTS trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ và TCCN. Theo đó, tỷ lệ sinh viên chính quy/giảng viên của các trường ĐH không được vượt quá 25, CĐ không vượt quá 30. Đối với các nhóm trường khác như sau: y – dược ở bậc ĐH 15, bậc CĐ 20; nghệ thuật, thể dục thể thao thì bậc ĐH 10, CĐ 15.
Về diện tích sàn xây dựng, đối với các ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, trường ĐH, CĐ, bình quân một sinh viên không thấp hơn 2m2. Trường TCCN bình quân một học sinh không thấp hơn 1,5m2. CTTS đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, không quá 50% tổng CTTS chính quy của cơ sở đào tạo.
|
Theo Vũ Thơ
(TNO)
Bình luận (0)