Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đỉnh dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 5-11, trong buổi giao ban quận, huyện, bác sĩ Lê Hồng Nga – Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “10 tháng đầu năm 2010, toàn thành phố có 7.794 ca sốt xuất huyết (SXH), giảm gần 3 nghìn ca so với 10 tháng đầu năm 2009 – 10.768 ca. Tuy nhiên, riêng tháng 10-2010, số ca SXH là 2.054 ca, trong khi tháng 10-2009 chỉ có 1.374 ca”…
Điều đáng nói là trong buổi họp giao ban quận, huyện tháng 10 (ngày 6-10), Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ đã cho rằng: “Mục tiêu của ngành y tế là không tăng số ca mắc SXH trong tháng 10 so với tháng 9” và chính bác sĩ Thọ cũng thừa nhận là theo quy luật thì dịch bệnh sẽ giảm vào cuối tháng 10. Song, thật bất ngờ khi tháng 9 toàn thành phố chỉ có 1.624 ca thì tháng 10, không những không giảm mà còn tăng lên 2.054 ca. Trung bình mỗi tuần có khoảng 500 ca.
Cũng theo bác sĩ Hồng Nga thì ngoài huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi có số ca SXH thấp, các quận, huyện còn lại đều có điểm nóng về dịch bệnh. Và hiện nay, toàn thành phố có 100 phường, xã có từ 3 ca bệnh trở lên. Trong đó phải kể đến các quận 1, Thủ Đức, Bình Thạnh…
Còn bệnh tay chân miệng (TCM), 10 tháng đầu năm 2010 có 3.061 ca tăng 61 ca so với năm 2009. Trong đó, riêng tháng 10-2010 tăng 25 ca (478 ca) so với tháng 10-2009 (453 ca). Như năm 2009, TCM tháng 10 giảm so với tháng 9 thì năm 2010 lại ngược lại. Tháng 9 chỉ có 352 ca, tháng 10 tăng vọt lên 478 ca (tăng 126 ca). Và theo dự báo của các chuyên gia y tế thì trong tháng 11 dịch bệnh TCM có thể sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, cũng như SXH, TCM xảy ra tại 24 quận, huyện, trong đó có 72 phường, xã có từ 3 ca bệnh trở lên.
Khác với dịch bệnh SXH “tấn công” cả người lớn, trẻ em, thanh thiếu niên thì TCM chỉ “tấn công” trẻ nhỏ. Có đến 98% số ca mắc ở lứa tuổi mầm non. Mục tiêu của ngành y tế trong tháng 11 là không tăng ca bệnh so với tháng 10 và giảm 50% ca bệnh của tháng 12 so với tháng 11.
“Để làm được điều này, các quận, huyện phải tăng cường truyền thông. Theo đó, ngành y tế cần phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh, giáo viên tại từng trường mầm non trên địa bàn. Cách tốt nhất để phòng chống sự lây lan của bệnh TCM là giữ gìn vệ sinh, thường xuyên sử dụng cloramin để lau rửa nhà cửa, phòng học, đồ chơi của trẻ. Nếu trẻ bệnh thì tuyệt đối phải cho nghỉ học, vừa chống lây truyền bệnh cho những trẻ khác, vừa tránh việc bệnh của bé trở nặng”, bác sĩ Hồng Nga nhấn mạnh.
Ngoài dịch bệnh SXH và TCM, đây cũng là thời điểm các bệnh về đường hô hấp bùng phát. Theo đó, phụ huynh có con nhỏ và giáo viên các trường mầm non phải quan tâm nhiều hơn đến việc giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh.
H.Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)