Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Đình Đồng Lạc: Không gian văn hóa mới cho người yêu Di sản

Tạp Chí Giáo Dục

Tọa lạc ở địa chỉ 38 phố Hàng Đào (Hà Nội), ngôi đình cổ Đồng Lạc đã được gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch từ ngày 3/1/2017 nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Trở thành không gian văn hóa mới của những người yêu di sản và là điểm đến mới của khách du lịch, đình Đồng Lạc sau khi được trung tu hiện được trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thủ công cao cấp kết tinh từ vốn sống phong phú và tay nghề tài khéo của những nghệ nhân xuất sắc của Việt Nam, như: sơn mài, lãnh Mỹ A, giấy dó, đồ thêu tay…

Lãnh My A và bộ sưu tập Vẹt giấy được trưng bày trong không gian di sản đình Đồng Lạc. (Ảnh: QH)

Ngôi đình cổ 38 Hàng Đào đã được xếp hạng là di sản văn hóa, một điểm đến quan trọng của những tour du lịch khám phá văn hóa lịch sử Hà Nội. Ngôi đình di sản này là một di tích quan trọng chứng minh cho các hoạt động buôn bán tơ lụa, hoạt động sản xuất thủ công truyền thống và văn hóa trong trang phục của người Thăng Long-Hà Nội. Hiện ngôi đình 38 Hàng Đào vẫn còn giữ lại tấm bia đá cách đây hơn 150 năm tuổi và một số họa tiết trang trí.
Du khách đến nhà 38 Hàng Đào sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ kiến trúc của một ngôi nhà từ cánh cửa mang đậm dấu vết của thời gian với dòng chữ “Đồng Lạc quyến yếm thị” đến những câu đối cổ được đặt khắp nơi trong nhà. Khoảng sân sau trồng hoa cỏ hẹp và thắt lại theo kiến trúc chung của những ngôi nhà ở phố Hàng Đào. Kết cấu mái với cột đỡ hình đầu rồng nguyên bản vẫn còn được giữ nguyên vẹn.

Góc tôn vinh sản phẩm thủ công sơn mài. (Ảnh: QH)

Với cách bài trí tinh tế, những người đến thưởng lãm sẽ được thấy tinh hoa sơn mài Việt hiện diện trên những chiếc bàn sơn mài tuyệt mỹ, những chiếc bình cẩn trứng cầu kỳ, những bộ nữ trang tinh tế chăm chút vô cùng tỉ mỉ, những hộp trà mang bên trong hình khối và chất liệu là cả câu chuyện kể bất tận về ký ức và một vùng văn hóa…
Du khách cũng sẽ gặp những câu chuyện kể về ký ức được nối dài trong hiện tại qua bàn tay tài khéo của các nghệ nhân. Đó là góc giấy dó. Trải qua mấy thập kỷ bị mai một, giấy dó ngày nay đang dần trở lại trong những sản phẩm có tính mỹ thuật cao, với những sản phẩm sổ tay và quạt độc đáo.
Hay góc trưng bày gần như duy nhất ở Hà Nội thứ lụa cầu kỳ duy mỹ số một trên dải đất Việt, lãnh Mỹ A được hiện diện bằng bộ sưu tập qua bàn tay của nhà thiết kế Công Trí. Đây là loại lụa được dệt từ tơ tằm hảo hạng, nhuộm đi nhuộm lại hàng trăm lần nhựa trái mặc nưa trong suốt gần nửa năm trời biết bao vất vả và tinh hoa tay nghề thủ công của nghệ nhân dệt.
Bên cạnh đó, đình Đồng Lạc sẽ thường xuyên diễn ra chuỗi chương trình được thực hiện các buổi đàm đạo xoay quanh các câu chuyện về văn hóa và phong cách sống, khách mời là các học giả-nhà nghiên cứu-nghệ sỹ…

Lễ gắn biển cho ngôi đình Đồng Lạc 38 hàng Đào đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. (Ảnh: QH)

Cụ thể, ngày 13/1, họa sỹ, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Mạnh Đức sẽ trò chuyện về nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng của người Việt – qua chủ đề “Bàn thờ Ngày Tết và những bài khấn gia tiên.”
Ngày 9/2, diễn giả Bùi Quang Thắng (chuyên gia nghiên cứu và phục dựng các lễ hội dân gian) sẽ trò chuyện về cách chơi Hội ngày Xuân. Đi những lễ hội cầu danh, cầu lộc, cầu tài, cầu tình… trong cuộc sống hiện đại như thế nào cho đúng, cho vui.
Ngày 9/3, họa sỹ Bùi Hữu Hùng và nhà Điêu khắc Đinh Công Đạt sẽ có buổi nói chuyện về nghệ thuật sơn mài trong cuộc sống đương đại.

Sản phẩm giấy dó. (Ảnh: QH)

Với mục đích kiến tạo một không gian lưu giữ và giới thiệu những vẻ đẹp truyền thống đã bị lãng quên, những vẻ đẹp mới trong sáng tạo; giao lưu và liên kết giữa các trí thức, nghệ sỹ và những công chúng quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, tinh hoa truyền thống và phong cách sống… di tích đình Đồng Lạc chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến thú vị cho du khách Việt Nam và quốc tế./.

An An (Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)