Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dinh dưỡng cho bệnh nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Các bệnh nhi có vấn đề liên quan đến dinh dưỡng cần được phát hiện sớm để điều trị hiệu quả
Song song với việc khám điều trị lâm sàng thì bệnh nhân cần được can thiệp, điều trị cả dinh dưỡng. Tuy nhiên, thực hiện công việc này vẫn là vấn đề khó khăn của các bệnh viện vì thiếu BS dinh dưỡng chuyên sâu, thiếu khoa, tổ dinh dưỡng.
Bệnh nhân tự can thiệp dinh dưỡng
Trước đây, dinh dưỡng là cách thức hỗ trợ trong điều trị bệnh, nhưng nay trở thành phương pháp điều trị cần thiết đối với mọi bệnh lý. Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần một thực đơn dinh dưỡng phù hợp do BS dinh dưỡng kê, hướng dẫn. Qua đó chính người bệnh biết cách chăm sóc bản thân hơn, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn, giảm thời gian, chi phí cũng như giảm những biến chứng ngoài ý muốn. Đặc biệt, những bệnh nhân nặng và hậu phẫu thì chế độ dinh dưỡng hợp lý càng quan trọng hơn. Nhưng hiện nay, ở một số bệnh viện bệnh nhân vẫn tự thân vận động tìm một chế độ dinh dưỡng cho mình là chính.
Chị Trần Hương Giang (An Giang) sau khi mổ mật, quay lại tái khám tại Bệnh viện Bình Dân cho hay: “Vấn đề thuốc thang tôi điều trị theo toa của BS kê, hướng dẫn, còn chế độ dinh dưỡng thì bản thân tự lo liệu chứ không có sự hướng dẫn của BS và cũng không thấy có BS dinh dưỡng nào cả”. Chị Giang chia sẻ chỉ ăn những thức ăn lành tính như rau củ quả, thịt heo. Còn các thức ăn như hải sản, thịt bò, thịt gà không tốt cho vết mổ thì kiêng. Chị Thanh Loan (Long An) tái khám gan tại đây cũng chia sẻ: “Nếu hỏi phải ăn uống như thế nào cho tốt, cho phù hợp với bệnh tình thì tôi không rành lắm. Nhìn chung, tôi cố gắng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng chứ kiêng cữ hết thì biết ăn gì”.
Đánh giá về vai trò của chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân, BS. Tạ Thị Tuyết Mai (Trưởng khoa Dinh dưỡng, tiết chế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho rằng: “Một thực đơn dinh dưỡng cho người bệnh hết sức quan trọng. Mỗi bệnh nhân có một thể trạng, một bệnh lý khác nhau, vì thế song song với điều trị thuốc thì cần có một thực đơn hợp lý của BS dinh dưỡng”.
Đồng tình ý kiến này, BS.CKII Nguyễn Thị Thu Hậu (Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2) nhận định thêm: “BS dinh dưỡng có nhiệm vụ tư vấn dinh dưỡng, cung cấp cho các bệnh nhân ngoại trú và nội trú thực đơn phù hợp. Ví dụ hiện nay truyền thông phát triển, quảng cáo nhiều loại thức ăn cho trẻ. Một số bà mẹ cứ nghĩ ăn nhiều là tốt, và trẻ nào cũng có thể ăn. Suy nghĩ này hoàn toàn không đúng. Chỉ thông qua BS dinh dưỡng tư vấn họ mới nắm rõ hơn vấn đề, giúp con có chế độ ăn uống hợp lý, đúng cách. Hoặc nhiều bệnh nhi mắc bệnh liên quan đến việc khó hấp thụ chất thì ngoài điều trị thuốc cần phải được điều trị cả dinh dưỡng”. 
Theo BS. Thu Hậu, để lên được một thực đơn dinh dưỡng thì các BS dinh dưỡng phối hợp với BS điều trị lâm sàng nhằm đánh giá tình trạng, nhu cầu cho các bệnh nhân khi nhập viện để có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Qua việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bệnh viện còn có được phương pháp điều trị tích cực hơn. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày Khoa Dinh dưỡng chẩn đoán cho khoảng 200 bệnh nhi. Các bệnh nhi có vấn đề liên quan đến suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì được phát hiện và có biện pháp can thiệp điều trị. Khoa hoạt động tập trung vào 2 mảng nội trú và ngoại trú. Đối với mảng ngoại trú, khám điều trị cho những bệnh nhi có bệnh nhẹ, thường phòng bệnh là chính. Ngược lại mảng nội trú thường phối hợp với BS khám điều trị lâm sàng cho những bệnh nhi nặng.
Còn khó khăn khi lập khoa dinh dưỡng
Trước vấn đề quan trọng của chế độ dinh dưỡng, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 08 yêu cầu các bệnh viện, từ tuyến huyện trở lên từng bước thành lập khoa dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số BS dinh dưỡng thì việc thành lập tổ, khoa dinh dưỡng còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ BS… Hoặc nếu có cũng hoạt động chưa hiệu quả.
BS. Tạ Thị Tuyết Mai cho biết: “Hiện nay, việc chữa trị bằng dinh dưỡng vẫn còn bị bỏ ngỏ. Nhiều bệnh viện chưa có khoa dinh dưỡng, chưa có lớp đào tạo dài hạn chuyên sâu về dinh dưỡng tiết chế. Một số bệnh viện có nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Phần lớn do các BS hoạt động ở khoa kiêm nhiệm vì thiếu BS chuyên khoa dinh dưỡng”. Còn BS. Hậu thì cho rằng: “Khoa dinh dưỡng chưa được đánh giá cao như những khoa lâm sàng khác. Việc thành lập, hoạt động khoa dinh dưỡng hiện nay vẫn dựa vào nhu cầu người dân là chính. Nguyên nhân do cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều, phương tiện chắp vá là chính. Đội ngũ BS dinh dưỡng thiếu, không được đào tạo chuyên sâu về dinh dưỡng. Và một phần do áp lực, quá tải vì thế bệnh nhân bị dồn vào khám điều trị lâm sàng là chính. Chưa kể sự hợp tác giữa các khoa chưa chặt chẽ…”.
Bài, ảnh: Trinh Nguyễn
Năm 2015, tất cả bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng
Tại TP.HCM, đã có 61 bệnh viện thành lập khoa dinh dưỡng. BS. Tăng Chí Thượng (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) đánh giá cao về việc can thiệp dinh dưỡng trong điều trị, là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Nhưng các bệnh viện còn khá chậm trễ trong việc đầu tư thành lập khoa, tổ dinh dưỡng tiết chế. Theo Sở Y tế TP.HCM, để giải quyết những khó khăn trên, sở sẽ phối hợp với các trường đào tạo chuyên khoa, ĐH và sau ĐH về dinh dưỡng tiết chế và có bộ môn dinh dưỡng lâm sàng. Phấn đấu từ nay đến năm 2015, tất cả bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng, tổ dinh dưỡng tiết chế.
 
 

Bình luận (0)