Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dinh dưỡng hợp lý cho mùa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Trái cây là một trong những nguồn dinh dưỡng hợp lý cho mùa hè. Ảnh: I.T

Mùa hè, phụ huynh không chỉ lo lắng cho nhu cầu vui chơi, giải trí của học sinh mà còn băn khoăn về chuyện ăn, uống. Phụ huynh băn khoăn không biết nên cho con ăn gì, ăn như thế nào để không bị tiêu chảy, không bị suy dinh dưỡng, không bị béo phì. Đặc biệt là những phụ huynh có con nhỏ thì càng bận tâm hơn về vấn đề này.
Những đặc điểm mùa hè liên quan tới dinh dưỡng là thời tiết nắng nóng làm mất nước, mất muối do đổ mồ hôi nhiều, do nằm quạt, máy lạnh. Và thực phẩm trong mùa hè rất dễ bị ôi thiu, nhiễm bẩn do bụi và vi trùng, nhất là nước đá làm từ nguồn nước không tinh khiết, chưa tiệt khuẩn.
Nước chiếm 2/3 trọng lượng cơ thể, đối với trẻ em thì nhiều hơn, do vậy nước là thành phần rất quan trọng trong cơ thể. Nước là môi trường sống cho tế bào cơ thể, là dung môi cho mọi chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể, là chất điều hòa nhiệt độ của cơ thể, là phương tiện bài tiết những chất độc hại trong cơ thể ra ngoài… Vì vậy, nếu thiếu nước thì cơ thể sẽ bị rối loạn những chức năng tiêu hóa, bài tiết có ảnh hưởng đến tính mạng. Mặt khác trong mồ hôi không chỉ có nước đơn thuần mà còn kèm thêm muối khoáng (natri, chlorua). Do đó khi đổ mồ hôi cơ thể vừa mất nước vừa mất muối. Vì vậy, cơ thể thường có phản ứng khi trời nóng là uống nhiều nước, ăn ít (với trẻ nhỏ thì biếng ăn) và thích uống nước lạnh, nước ngọt. Nếu phụ huynh không điều chỉnh việc ăn uống này của con sẽ dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng do ăn ít, do tiêu chảy vì uống nước đá không vệ sinh. Ngược lại, trẻ có thể bị béo phì do uống quá nhiều nước ngọt nhưng lại thiếu chất dinh dưỡng nên không phát triển chiều cao và trí thông minh.
Vậy làm sao để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng trong mùa hè cho trẻ?
Về nhu cầu năng lượng là như bình thường, tỷ lệ các chất dinh dưỡng: chất bột đường tăng, chất béo giảm, chất đạm như bình thường, tăng Vitamin và muối khoáng.
Theo đó phải cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây, uống sữa, sữa chua lạnh; uống nước theo nhu cầu nhưng không uống nước ngọt, nước trái cây trước bữa ăn nửa giờ; không uống các loại nước mát có tính chất lợi tiểu vì làm như vậy sẽ làm tăng khả năng mất nước nếu không uống đủ nước. Không ăn thức ăn dự trữ lâu vì dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Với trẻ em nhỏ thì cho ăn thức ăn mềm, lỏng (cháo, bột, xúp) có mùi vị thơm, có thể hơi chua, ngọt như canh cua, riêu. Cho ăn từ 5 – 6 bữa/ngày, tối uống thêm một cữ sữa…
Cái nóng oi bức của mùa hè luôn tạo cho con người cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên hạn chế chất béo, ăn nhiều hoa quả và uống nhiều nước.

Mùa hè tuy có nhiều hoa quả nhưng đa phần là hoa quả nóng, do vậy khi mua nên chọn loại hoa quả có tính chất thanh nhiệt như thanh long, cam, bưởi…
Với nước uống, ngoài nước lọc nên uống thêm một số loại nước dinh dưỡng. Cụ thể như sữa tươi không đường hoặc ít đường, chất béo thấp; nước ép cà chua – mỗi ngày nên uống 1 quả; trà bạc hà; nước sô cô la nóng; nước ép cà rốt giúp hạn chế tình trạng tiêu chảy, đau thắt ngực cấp và mãn tính; nước rau má – tác dụng hạ hỏa, mát huyết, ngăn ngừa táo bón và cung cấp nhiều chất bổ cho cơ thể; sữa đậu nành nguyên chất – mỗi ngày chỉ nên uống tối đa hai ly; nước cam vắt – có khả năng chống lại các bệnh đục nhân mắt, ung thư và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; nước trà xanh – trà xanh chứa nhiều flavonol và polyphenol có tác dụng tạo vành đai bảo vệ các tế bào khỏe trước sự tấn công của các tế bào bệnh, ngăn chặn sự hình thành khối u ác tính.
 
BS. Nguyễn Thị Hoa
(BV Nhi đồng I)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)