Khi du học, một trong những vấn đề khiến nhiều bạn trẻ đau đầu chính là ăn uống. Phạm Ngọc Bích (cựu sinh viên ngành dược Trường University of Kansas, Mỹ) nhìn nhận: “Đau đầu không phải vì thiếu thốn thức ăn, mà là thức ăn quá nhiều, nhưng biết phân bổ sao cho tiết kiệm hầu bao, sức khỏe và… cơ thể”.
Phạm Ngọc Bích |
Ngọc Bích chia sẻ, hành trang mang theo lúc đi du học của hầu hết bạn trẻ Việt Nam là… mì gói và đồ khô dành để ăn khi chưa thích ứng được trong giai đoạn đầu ở nơi xứ người. Với những ai ưa thích đồ ăn nhanh, thời gian đầu sẽ khá thoải mái vì nước Mỹ được coi là thủ phủ của các loại đồ ăn nhanh với hàng loạt công ty nổi tiếng. Nhưng ai giỏi lắm thì cũng chỉ trụ được nửa tháng với những món ăn ở dạng này vì quá nhiều chất béo và đồ ngọt. Và khi không thể tiếp tục tiêu hóa với đồ ăn nhanh thì tự đi chợ và nấu ăn chính là giải pháp hàng đầu.
Ngọc Bích cho biết thêm, thức ăn ở Mỹ rất rẻ so với mức lương của người dân trong mặt bằng chung của các nước phát triển. “Nấu ăn là một cách giúp sinh viên tiết kiệm tiền. Nếu có trăn trở làm sao để tiết kiệm tiền khi sống ở Mỹ, thì hạn chế ăn ngoài thường xuyên là một giải pháp, không những đỡ nặng túi mà còn giúp chúng ta giữ chế độ ăn uống khoẻ mạnh. Nếu có người thân hay nhóm bạn có thể đi những chỗ bán sỉ như Costco hay BJ’s thì mua đồ rất rẻ”, Ngọc Bích khuyên.
Bạn cho biết hệ thống cửa hàng thực phẩm (grocery store) mà mình hay đi là: Trader Joe’s có mức giá bằng hoặc rẻ hơn các cửa hàng thực phẩm khác, chất lượng khá tốt và có nhiều món ăn chế biến sẵn thú vị, đặc biệt là những món đông lạnh; Wegman’s giá hơi cao hơn Trader Joe’s và các cửa hàng thông thường khác, nhưng lại có nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe, có hàng thức ăn nấu sẵn; Whole Food’s giá cả đắt hơn những cửa hàng khác nhưng nổi tiếng là bán thực phẩm hữu cơ (organic) và đủ loại các thứ nguyên liệu khó tìm ở nơi khác, có cả quầy thức ăn nấu sẵn để phòng những hôm bận không thể vào bếp. Còn muốn tìm thức ăn châu Á, bạn nên tìm đến những cửa hàng ở Chinatown. “Những hôm lười hoặc không có thời gian, bạn có thể đặt hàng trực tuyến và họ sẽ giao đồ ăn trong vòng một giờ mà giá cả cũng không đắt lắm”, Ngọc Bích cho hay.
Xu hướng của người Việt Nam là thích mua đồ rẻ, nhất là khi sang những nước có mức sống cao. Tuy nhiên, Ngọc Bích cho rằng không phải cái gì rẻ cũng tốt. “Ở Mỹ, có hai dòng thực phẩm đang phổ biến là thực phẩn hữu cơ (organic) – tức được trồng và nuôi không dùng hóa chất gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hormone tăng trưởng cho gia súc gia cầm, thuốc kháng sinh cho gia cầm – và thực phẩm tự nhiên (natural). Theo tôi, thức ăn organic đáng tin cậy hơn vì được Cục quản lý nông nghiệp định nghĩa và doanh nghiệp phải được kiểm tra chất lượng mới có quyền dùng nhãn đó, trong khi hiện tại không có một định nghĩa nào nhất định cho “natural” cả. Tuy thức ăn organic có đắt hơn, nhưng khi nghĩ về lợi ích và tác động đến sức khỏe lâu dài thì tôi nghĩ không nên tiết kiệm trong việc chọn đồ ăn thức uống tốt”, Ngọc Bích cho biết.
Vì vậy, Ngọc Bích khuyên các bạn trẻ nên đọc kỹ nhãn hiệu để biết xem trong thực phẩm của mình có chứa những gì, cơ thể sẽ tiêu thụ cái gì chứ không chỉ để đếm calo vì… sợ tăng cân. Bên cạnh đó cần để ý chế độ ăn uống. “Đa số sinh viên Việt Nam sang Mỹ đều bị tăng cân do thức ăn bên đây ít rau, nhiều thịt và tinh bột. Để hạn chế cân nặng thì tập gym cũng là một giải pháp hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể chơi các môn thể thao, leo núi hoặc tắm biển để hạn chế lượng mỡ thừa do cơ thể tích tụ lâu ngày”, Ngọc Bích nói.
Ngọc Anh
Bình luận (0)