Hòa nhịp cùng không khí phấn khởi kỉ niệm 10 năm đào tạo đại học của trường ĐH Tài Chính – Marketing, ngày 25/10/2014, Khoa QTKD, Trường ĐH Tài Chính – Marketing đã tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển Khoa QTKD trong thời kỳ hội nhập”.
Toàn cảnh hội thảo" |
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ban Giám hiệu và lãnh đạo các đơn vị trong Trường ĐH Tài Chính – Marketing, cùng đông đảo cựu sinh viên và sinh viên của Khoa QTKD. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự của TS. Lê Thành Trung – Phó Tổng Giám đốc HDBank, Ths. Đặng Duy Quân – Phó Giám đốc Petrolimex Sài Gòn, Ths. Nguyễn Tiến Dũng – Chủ Tịch – Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm Nghiệp Bình Thuận, Ông Nguyễn Văn Chín – Giám đốc Công ty TNHH SXTMDV Phú Danh và đại diện một số doanh nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM.
Tại Hội thảo, TS Lê Cao Thanh, Trưởng khoa QTKD – Trưởng ban tổ chức đã phát biểu đề dẫn nêu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược khoa QTKD. Trong quá trình hội nhập thế giới, các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam đang phải giải bài toán chiến lược phát triển trong tầm nhìn toàn cầu.ĐH Tài Chính – Marketing cũng đã triển khai xây dựng chiến lược phát triển đến 2030 và tầm nhìn 2050. Trên cơ sở chiến lược tổng thể của Trường, Khoa QTKD cũng cần hoạch định chiến lược cụ thể cho mình.
Hội thảo đã nghe tổng kết chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành của khoa QTKD. Trong khoảng thời gian không dài, khoa QTKD đã có một bước phát triển mạnh mẽ. Từ 5 giảng viên đầu tiên, đến nay khoa đã có 33 giảng viên, với 100% đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó có 3 Tiến sĩ, 1 Phó Giáo sư, 1 TSKH-Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học châu Âu. Từ gần300 sinh viên đầu tiên, đến nay qui mô đào tạo của khoa đã đạt 3000 sinh viên (theo học 3 chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh Tổng hợp, Quản trị Bán Hàng, Quản trị Dự án) và gần 1000 học viên cao học. Trong 10 năm qua, Khoa đã đào tạo được trên 5000 cử nhân QTKD và khoảng 200 thạc sĩ MBA.
GV-SV KQTKD UFM phấn khởi bước vào giai đoạn phát triển mới |
Hội thảo đã bàn luận về cơ hội và thách thức của khoa QTKD trong thời kỳ hội nhập. Các đại biểu cũng đã phân tích nguồn lực chiến lược của khoa QTKD, đặc biệt là về qui mô đào tạo lớn, lực lượng giảng viên khá mạnh;Khoa đã tham gia sáng lập CLB QTKD để cùng các doanh nghiệp chia sẻ và giải quyết các vấn đề của môi trường kinh doanh thực tiễn. Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, hạn chế, cơ hội và thách thức, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến phác thảo định hướng chiến lược của khoa QTKD.
Về chiến lược đào tạo:Mục tiêuchiến lược của Khoa là nâng cao chất lượng, đặc biệt là chương trình chất lượng cao. Khoa phấn đấu trở thành một trung tâm lớn của Miền Nam về đào tạo chuyên ngành QTKD tổng hợp, Quản trị bán hàng và Quản trị dự án. Các giải pháp chiến lược là: (1)Đổi mới chương trình đào tạo trên nền tảng tiếp thu các chương trình đào tạo tiên tiến, trước hết là của Hoa Kỳ; (2) Xúc tiến xây dựng một đến 2 chuyên ngành mới. (3)Tăng cường tính thực tiễn của bài giảng.
Về chiến lược hoạt động nghiên cứukhoa học: Mục tiêu chiến lược của Khoa là trở thành 1 trong những đơn vị khoa học mạnh của ĐH Tài Chính – Marketing;xây dựng đội ngũ giảng viên mang bản sắc một đội ngũ khoa học ứng dụng; đóng góp vào việc giải những bài toán thực tiễn cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các giải pháp chiến lược được xác định là: (1) Phát triển quan hệ với các tổ chức/doanh nghiệp, (2)Xúc tiến xây dựng Trung tâm nghiên cứu – tư vấn quản trị và kinh doanh, (3) Phát triển CLB sinh viên NCKH và CLB Khởi nghiệp làm nòng cốt cho phong trào NCKH sinh viên.
Về công tác sinh viên:Mục tiêu của công tác sinh viên là tạo môi trường thi đua học tốt, rèn luyện tốt, NCKH tốt; xây dựng văn hóa sinh viên khoa QTKD với các giá trị: thanh lịch, năng động, sáng tạo, tiên phong, đoàn kết, tương thân tương ái.Giải pháp chiến lược là tổ chức hoạt động của sinh viên theo 4 chương trình: (1) Chương trình học tốt, (2) Chương trình khởi nghiệp,(3) Chương trình đẩy mạnh NCKH, (4) Chương trình nâng cao đời sống tinh thần của sinh viên, trong đó trọng tâm là chương trình 1 và chương trình 2.
Để thực hiện các định hướng chiến lược trên, Khoa cần phải có một nguồn nhân lực tương ứng và một tổ chức đủ mạnh. Khoa QTKD phát triển đội ngũ theo chuẩn yêu cầu đào tạo chất lượng cao và hệ cao học của Trường. Triển khai chương trình xây dựng văn hóa tổ chức của Khoa QTKD với giá trị cốt lõi là: công khai, dân chủ, đoàn kết, sáng tạo.
Trên nền phác thảo chiến lược của Khoa, các đại biểu đã đóng góp thêm nhiều ý kiến xác đáng. TS Nguyễn Văn Hiến – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing đề xuất,việc xây dựng chương trình đào tạo phải dựa trên ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống học liệu giảng dạy và đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo với các trường trên thế giới.TS Phan Văn Thăng – Nguyên Trưởng Khoa QTKD đề nghị,chiến lược của Khoa phải đảm bảo hiện đại hóa công nghệ giảng dạy. TS Lê Thành Trung – Phó TGĐ HDBank chia sẻ“Nhu cầu tuyển dụng củachúng tôihiện nay cần 1% nhân tài + 99% cán bộ chuyên nghiệp. Do đó, Khoa cần tập trung hơn nữa vào kỹ năng của sinh viên. Chiến lược của Khoa QTKD đơn giản là đạt mục tiêu “tất cả sinh viên ra trường đều có việc làm”. Chị Nguyễn Song Mỹ Hương, cựu SV đề nghị, hoạt độngnghiên cứu khoa học sinh viên cần được triển khai theo cách gần gũi hơn, dễ hiễu hơn và không nên mang tính phong trào;
Hội thảo đã kết thúc với quyết tâm chiến lược là: trong tầm nhìn 2030,Khoa QTKD sẽ trở thành Trường kinh doanh (Business School) trong Trường ĐH Tài chính – Marketing, đào tạo đa chuyên ngành, đa cấp độ, nằm trong top 300 trường kinh doanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và đào tạo QTKD.
Bình luận (0)