Trong những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập đã trở thành một “chiến trường” ác liệt hơn cả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, nhất là ở các thành phố lớn.
Học sinh tại TP.HCM tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2024 (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Vì sao thế? Vì áp lực về số lượng học sinh có nhu cầu học THPT quá lớn, trong khi trường lớp chưa đủ, thiếu cơ sở vật chất. Và ngay cả có trường học mới thì số lượng giáo viên sẽ tăng lên, liên quan đến biên chế, quỹ lương…
Việc thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập lâu nay được giao về cho các địa phương; sở GD-ĐT các tỉnh/thành tự chủ, tự quyết. Việc phân cấp quản lý này là đúng hướng. Bộ GD-ĐT không thể ôm lấy tất cả các kỳ thi. Tuy nhiên có một thực tế, việc ra đề thi vào lớp 10 công lập lâu nay do mỗi sở quyết định nên không tránh khỏi tình trạng mỗi địa phương ra mỗi kiểu, nêu những yêu cầu khác nhau…, dù cả nước học theo một bộ sách (2006). Dường như thiếu đi một sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn trong việc này, cần có định hướng chung cho việc ra đề tuyển sinh vào lớp 10 công lập để các tỉnh/thành vừa phát huy sáng tạo, tự chủ, vừa tuân thủ các yêu cầu cơ bản, thiết yếu của học vấn phổ thông do chương trình quy định.
Trong bối cảnh triển khai chương trình 2018, với thực tiễn học sinh học 3 bộ sách giáo khoa, yêu cầu đánh giá thay đổi, nhất là yêu cầu không sử dụng các văn bản đã học trong sách giáo khoa… thì việc có một định hướng chung cho kỳ thi vào lớp 10 công lập của Bộ GD-ĐT là hết sức cần thiết. Việc công bố định hướng chung này cũng giống như công bố định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, do đã phân cấp, phân quyền nên định hướng chung ấy cần nêu các yêu cầu chung nhất, dành lại một khoảng trống lớn cho các địa phương sáng tạo, tự chủ; để “trăm đường một hướng nở muôn hoa”.
Vậy đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập môn ngữ văn từ 2025 dựa vào đâu để đề xuất các yêu cầu? Chúng tôi cho rằng cần dựa vào mấy cơ sở sau đây: Một là cần bám sát các yêu cầu cần đạt và yêu cầu về đánh giá của chương trình 2018 (Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT). Hai là quán triệt yêu cầu của công văn 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông, ban hành ngày 21-7-2022. Ba là chú ý “Quyết định 764/QĐ-BGDĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025”, để tạo sự nhất quán, đồng hướng với các quan điểm và nguyên tắc đánh giá.
Trong bối cảnh triển khai chương trình 2018, với thực tiễn học sinh học 3 bộ sách giáo khoa, yêu cầu đánh giá thay đổi, nhất là yêu cầu không sử dụng các văn bản đã học trong sách giáo khoa… thì việc có một định hướng chung cho kỳ thi vào lớp 10 công lập của Bộ GD-ĐT là hết sức cần thiết. Việc công bố định hướng chung này cũng giống như công bố định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua của Bộ GD-ĐT. |
Từ các cơ sở trên, có thể đề xuất định hướng chung cho việc ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập theo một số yêu cầu cơ bản và thiết yếu sau: Một, đề thi cần đánh giá được năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ của học sinh thông qua các yêu cầu đọc hiểu và viết (năng lực nói và nghe thực hiện trong đánh giá thường xuyên). Vì thế đề thi cần tập trung vào câu hỏi, bài tập về đọc hiểu và cầu yêu cầu viết. Hai, phần đọc hiểu và viết lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, có thể một trong 3 loại văn bản: văn học, nghị luận và thông tin. Các văn bản ngữ liệu cần phù hợp với đối tượng học sinh và tương đương với các văn bản đã học. Tương đương về độ khó, thể loại, kiểu văn bản, đề tài, chủ đề… Ba, đề thi cần tập trung chủ yếu vào các yêu cầu cần đạt của chương trình lớp 9 cả về thể loại, kiểu văn bản đọc hiểu và kiểu bài viết. Văn bản dùng đọc hiểu và viết cần bảo đảm đúng các tiêu chí về ngữ liệu đã nêu trong chương trình 2018. Độ dài văn bản đọc hiểu và viết cần phù hợp với thời gian làm bài và trình độ, năng lực của học sinh lớp 9. Bốn, đề cần chú ý sự hài hòa giữa việc yêu cầu huy động những hiểu biết về xã hội và văn học, thể hiện qua các yêu cầu về đọc hiểu (loại văn bản nào?) và viết (nghị luận văn học và nghị luận xã hội). Câu hỏi đọc hiểu và viết cần đánh giá được cả 3 mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Cần có câu hỏi yêu cầu vận dụng tiếng Việt trong đọc hiểu và viết. Năm, đề có thể vận dụng linh hoạt các hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trong đánh giá nghị luận đọc hiểu; yêu cầu viết đoạn hay viết bài trong phần đánh giá nghị luận viết. Tỷ lệ điểm giữa các yêu cầu không nên mất cân đối giữa phần đọc hiểu và viết, giữa nghị luận xã hội và nghị luận văn học… Sáu, cần chú ý yêu cầu phân hóa trong đề thi bằng các câu hỏi, câu lệnh và gợi ý chấm bài (đáp án). Tuy nhiên không nêu những yêu cầu quá sức học sinh lớp 9 cả về độ dài văn bản và câu hỏi, câu lệnh; gây quá tải và tâm lý bức xúc cho học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội…
Trên đây là một số đề xuất của tôi về định hướng về đánh giá trong kỳ thi vào lớp 10 công lập, khi chưa có văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT về việc ra đề cho kỳ thi này. Trong khi giáo viên và học sinh (cả nước nói chung và giáo viên, học sinh lớp 9 nói riêng) hết sức quan tâm đến các định hướng và yêu cầu cơ bản về kỳ thi này.
Một kỳ thi hết sức quan trọng đối với nhiều gia đình có con năm tới vào lớp 10, sau khi đã học theo chương trình 2018 và sách giáo khoa mới. Chương trình ngữ văn 2018 cũng đã nêu: “Học sinh cần được hướng dẫn tìm hiểu để có thể nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá…” (trang 85). Thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần sớm có những thông tin cơ bản, cần thiết về mục tiêu, nội dung và cách thức thi vào lớp 10 công lập để có một mặt bằng chung về đánh giá; để giáo viên và học sinh tham khảo, chuẩn bị tốt cho việc dạy, học và ôn luyện ở kỳ thi này. Việc công bố sớm các yêu cầu và định hướng ấy cũng sẽ giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh yên tâm một cách có cơ sở, các tỉnh/thành có chỗ dựa trong việc ra đề; xã hội thấy được sự quan tâm đúng mức của Bộ GD-ĐT trong việc quản lý, chỉ đạo chuyên môn rất kịp thời và hữu ích.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)