Xung quanh vấn đề giá trị của đồng tiền, nhiều học sinh nhận định: Tiền dù cũ hay mới, nhàu nát hay còn phẳng phiu… thì nó chỉ được trân trọng khi đó là kết quả mồ hôi, công sức của con người. Thế nhưng, các em cũng nhận thấy rằng: Đồng tiền có ma lực rất hấp dẫn mà nhiều người nếu không đủ bản lĩnh sẽ dễ bị sa ngã vào vòng xoáy này. Đó là một trong những chủ đề được thực hiện tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) trong tháng chào mừng năm học mới.
Sau đề tài nói về giá trị đồng tiền, các em học sinh được lái sang “mổ xẻ” câu nói của một người mẫu nữ từng gây xôn xao dư luận: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn”. Và vì đồng tiền, sự nổi tiếng mà nhiều bạn trẻ ngày nay đã đánh đổi nhân cách của mình bằng những trò lố lăng rẻ tiền. Điều đáng mừng là đa số học sinh đã khẳng định: Không phải ai cũng có quan điểm lệch lạc này. “Tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả”, “Tiền là phương tiện chứ không phải mục đích sống”, “Tiền chỉ có giá trị khi người ta sử dụng khối óc và sức lao động của mình để tạo ra nó”, “Tiền có thể nuôi dưỡng tình yêu chứ không mua được tình yêu”… Đó là triết lý của những công dân trẻ về giá trị của đồng tiền và cái danh hư ảo. Tuy nhiên, các em cũng không quên đề cập đến thực trạng giới trẻ hiện nay đang quá sa đà vào vật chất mà quên đi giá trị tinh thần, quên đi những nét đẹp trong văn hóa – tâm hồn người Việt. Không ít trường hợp học sinh gặp thầy cô giáo không chào hỏi hay có những thái độ vô lễ khi ba mẹ không cho tiền tiêu vặt…
Từ những vấn đề đó, ThS. Nguyễn Thị Như Quỳnh – giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – đã kịp thời định hướng: “Những giá trị mà học sinh hiện nay cần quan tâm là học thức và nghề nghiệp. Các em cần chứng tỏ mình là người có kiến thức văn hóa và định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho bản thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Bên cạnh đó, các em cũng cần phải trau dồi đạo đức, tôn trọng cha mẹ, thầy cô giáo là những người đã dày công nuôi dưỡng, dạy dỗ các em nên người.
Linh Vy
Bình luận (0)