Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Định hướng mới về giáo dục công tác xã hội ở Cuba: Bài 1: Nâng cao chất lượng giáo dục công tác xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Các sinh viên Cuba phải tốt nghiệp cấp 3 và phần lớn họ đã làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian với vai trò của một nhân viên xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Có nhiều lý do cho việc thay đổi chương trình giáo dục công tác xã hội ở Cuba và người ta ngày càng chú ý nhiều hơn về vấn đề này. Đó là do các vấn đề kinh tế – xã hội gia tăng đòi hỏi những giải pháp mới mang tính toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục công tác xã hội ở đảo quốc đặc biệt này.
Thay đổi để tiến lên
Sự chênh lệch về thu nhập trong xã hội tăng lên là do nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào, sự phát triển du lịch và tiền từ người dân định cư ở nước ngoài chuyển về. Từ đó nạn nghèo đói và thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội và kinh tế ngày càng rõ rệt. Nhà cửa và đường sá xuống cấp, các thành phố ở Cuba trở nên quá tải về dân số. Theo lời giáo sư Lourdes Pérez Montalvo ở Đại học Havana: “Những vấn đề về kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi các nhân tố lịch sử và sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại mặc cho những nỗ lực để đạt được công bằng và những giá trị khác trong xã hội. Những người Cuba bị tác động nhiều bởi các điều kiện kinh tế, đơn cử như người khuyết tật, cựu tù nhân, thai phụ ở tuổi thanh thiếu niên, các bà mẹ đơn thân, dân cư lớn tuổi, trẻ em và sự gia tăng số học sinh bỏ học giữa chừng và thất nghiệp. Các vấn đề này cần được ưu tiên giải quyết trong các dự án về xã hội để đất nước phát triển nhanh và đạt đến một tầm cao mới”.
Trước đây Chính phủ Cuba chưa nhận thấy sự cần thiết của lực lượng nhân viên xã hội được huấn luyện và có chuyên môn cao. Thay vào đó, lực lượng này chỉ được rèn luyện tại những trường kỹ thuật riêng lẻ ở những nơi họ đang làm việc như Bộ Sức khỏe cộng đồng Cuba. Cuba phát triển “kế hoạch định hướng” như một động thái nhằm giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến khó khăn về kinh tế. Kế hoạch này bao gồm hai phần. Thứ nhất, tạo ra một chương trình trình độ đại học (UP) đào tạo những nhân viên xã hội cao cấp. Thứ hai, hình thành trường cho các công tác xã hội (SSW) song song với việc nhanh chóng đưa ra chương trình huấn luyện xã hội cho thanh niên Cuba, những người sẽ trở về cộng đồng họ sinh sống và làm việc như một nhân viên xã hội sau khi hoàn thành khóa huấn luyện.
Chương trình đại học về công tác xã hội
Các nhà lãnh đạo chính phủ, nhà giáo dục và nhân viên xã hội đều đồng ý rằng Cuba cần một chương trình huấn luyện cho nhân viên xã hội. Bộ Giáo dục Cuba yêu cầu Khoa Xã hội của Đại học Havana thực hiện một chương trình về xã hội học tập trung vào các công tác xã hội để cung cấp một nền tảng kiến thức cho các nhân viên xã hội Cuba. Chương trình lấy bằng đại học này bắt đầu ở Đại học Havana và sau đó là Đại học Santiago. Cả hai trường đều cấp bằng cử nhân về xã hội học.
Các sinh viên phải tốt nghiệp cấp 3 và phần lớn họ đã làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian với vai trò của một nhân viên xã hội. Cứ sau 21 ngày làm việc, họ sẽ ngưng việc một khoảng thời gian ngắn để tham dự các lớp học ở trường đại học để học tập chuẩn bị cho các kỳ thi. Họ vẫn nhận được thu nhập trong thời gian họ đi học.
Mục tiêu của UP là nâng cao chất lượng giáo dục công tác xã hội của Cuba và hướng dẫn sinh viên phương cách ứng dụng các kỹ năng xã hội được học trên lý thuyết vào thực tế. Họ hy vọng rằng đây không chỉ tạo cơ hội giúp họ thực hành mà còn củng cố sự nhận thức về vai trò của người mang đến sự thay đổi cho xã hội.
Khoa Xã hội học đã nghiên cứu và phát triển một thời khóa biểu dựa trên việc xem xét thời khóa biểu của các nước Mỹ Latinh và Tây Ban Nha. UP phối hợp lý thuyết xã hội với việc thực hành công tác xã hội. Hai khóa học cơ bản ở năm đầu là “Giới thiệu sơ lược về xã hội học” và “Lý thuyết & Thực hành môn xã hội học”. Ở năm đầu tiên, sinh viên cũng được học triết học, kinh tế chính trị và lịch sử châu Mỹ. Họ còn học về nhân khẩu học, phương pháp xã hội học và thống kê. Từ năm 3 cho đến năm cuối – năm thứ 5, các sinh viên này sẽ học “Công tác xã hội I” (sự can thiệp theo cộng đồng), “Công tác xã hội II” (sự can thiệp theo nhóm và tổ chức), cuối cùng là “Công tác xã hội III” (can thiệp theo các cá thể/gia đình). Chương trình được nghiên cứu và phát triển tương tự với chương trình ở Mỹ. Sinh viên cũng sẽ được học lịch sử của công tác xã hội, chính trị xã hội, nhân loại học, sức khỏe xã hội và xã hội – gia đình. Phần lớn thời gian học ở năm thứ 6, sinh viên sẽ viết bài luận. Họ tham gia vào các buổi thảo luận nghiên cứu ở mỗi học kỳ ngay từ năm đầu tiên. Các buổi thảo luận này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sinh viên.
(theoredandgreen.org)
Ngọc Trúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)