Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Định hướng nghề cho học sinh đồng bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Mang Thít hào hứng đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Trong ba ngày 29, 30 và 31-12, chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại 6 trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Tam Bình, Phạm Hùng, Mỹ Phước, Mang Thít, Trưng Vương, Trần Đại Nghĩa). Theo đó, Ban tư vấn đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về ngành nghề cho các em học sinh lớp 12.

Cơ hội nghề nghiệp mở ra khắp nơi

Theo đánh giá, từ trước đến nay việc tiếp cận thông tin về ngành nghề, trường học cùng các phương thức xét tuyển vào các bậc học của học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Quốc Cường (cán bộ tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho biết dù Bộ GD-ĐT hiện chưa có quy chế chính thức nhưng kỳ thi THPT quốc gia 2016 về cơ bản vẫn sẽ tương tự như năm 2015, nghĩa là vẫn sử dụng kết quả thi cho cả hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Quy chế mới sẽ được sửa đổi nhiều điểm mới cho phù hợp với thí sinh, nhất là với các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Quốc Cường (cán bộ Văn phòng Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) tư vấn cho các em học sinh tại Trường THPT Tam Bình, Vĩnh Long

Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý với các em học sinh là cùng một ngành học nhưng sẽ có nhiều trường cùng đào tạo ở nhiều bậc học khác nhau. “Cả nước đang vận hành nhiều loại hình đào tạo sau THPT, các doanh nghiệp cũng đang sử dụng lao động thuộc nhiều trình độ. Cùng một lĩnh vực nghề nghiệp nhưng có vị trí chỉ yêu cầu trình độ sơ cấp, trung cấp nghề, có vị trí yêu cầu trình độ CĐ nên không nhất thiết phải có bằng ĐH mới thành công. Với hình thức xét tuyển bằng học bạ, các em sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận ngành học, công việc mình mong muốn hơn. Vì vậy, các em đừng ngần ngại khi chọn học các hệ sơ cấp, trung cấp, CĐ nghề nếu thấy nó phù hợp với khả năng của mình”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Thanh Tú phát biểu trong chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai”

Báo Giáo dục TP.HCM luôn quan tâm công tác hướng nghiệp cho học sinh

Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) nhìn nhận: Công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh sau THPT luôn được Báo Giáo dục TP.HCM quan tâm và tổ chức nhiều chương trình trong thời gian qua. Ban tổ chức mong muốn những thông tin bổ ích từ chương trình sẽ giúp các em học sinh có định hướng nghề nghiệp đúng đắn, rõ ràng, phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân và nhu cầu xã hội. Đặc biệt, chương trình được tổ chức khi sự kiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực (31-12) và những thông tin về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm của dư luận nên những thông tin được cung cấp bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến rất kịp thời và hữu ích cho việc lựa chọn nghề nghiệp của các em trong thời gian tới.

Bổ sung cho ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Toàn (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Vĩnh Long) khẳng định: Các ngành cơ khí, hàn, điện lạnh, sửa chữa ô tô hệ trung cấp và CĐ nghề của trường đang được rất nhiều doanh nghiệp ngoài địa bàn quan tâm và đặt hàng. “Mới đây, một công ty đóng tàu đặt hàng nhà trường cung cấp 25 em ngành hàn vào vị trí thực tập trong hai tháng với mức lương khởi điểm là 6 triệu đồng/tháng, nhưng nhà trường chỉ cung cấp cho họ được 12 em. Trên thực tế, doanh nghiệp đặt hàng nhà trường rất nhiều nhưng trường không đủ nhân lực để cung cấp theo nhu cầu”.

Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế, cơ hội việc làm sẽ mở ra ở tất cả mọi nơi, mọi lĩnh vực. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ nay đến năm 2020, mỗi năm sẽ cần khoảng 60.000 lượt lao động. Toàn khu vực phía Nam dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu chỗ lao động/năm. Vấn đề đặt ra là người lao động phải đáp ứng được trọng tâm định hướng phát triển của tỉnh nhà. Cụ thể, Vĩnh Long có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mục tiêu quy hoạch kinh tế – xã hội của tỉnh là phát triển vùng đô thị sinh thái hài hòa giữa đô thị và nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ; trong đó lao động qua đào tạo đến năm 2020 chiếm 60%. Các ngành nghề theo định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Long là chế biến công nghiệp thực phẩm (các loại nông lâm thủy sản, rau quả…); cơ khí nông nghiệp, ô tô, tự động hóa; du lịch, thương mại…

Mạnh dạn chọn trường học gần nhà

Tại các buổi tư vấn, Ban tổ chức đã trao 48 suất học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Bà Bùi Thị Kim Huệ (Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) trao học bổng cho học sinh Trường THPT Phạm Hùng

Tại các buổi tư vấn, những chuyên viên tuyển sinh thuộc các trường: ĐH Cửu Long, ĐH Xây dựng miền Tây, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, CĐ Nghề Vĩnh Long và Trường Mỹ thuật đa phương tiện MaacvietArena đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các ngành học, bậc học để học sinh mạnh dạn chọn trường phù hợp gần nhà. Theo đó, tùy theo năng lực bản thân, các em có thể lựa chọn các loại hình đào tạo phù hợp trong thời gian: 3 tháng (sơ cấp nghề), 1,5 năm (trung cấp), 2-3 năm (CĐ) và 4 năm (ĐH) với mức học phí vừa với khả năng chi trả của gia đình. Trong đó, điều khiến học sinh yên tâm hơn khi lựa chọn trường học gần nhà là hầu hết các ngành đào tạo đều dựa theo định hướng phát triển kinh tế, tiềm năng phát triển của địa phương và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long như nhóm ngành thiết kế xây dựng, cơ khí, sửa chữa máy móc, nông nghiệp, thú y… Thay vì phải lên TP.HCM, các em hoàn toàn có thể chọn trường học gần nhà với chi phí sinh hoạt khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng; chi phí ký túc xá từ 45.000-100.000 đồng/tháng và mức học phí được thu theo quy định của Nhà nước. Một số trường còn cam kết không thu thêm bất cứ khoản phụ thu nào ngoài tiền học phí và tiền bảo hiểm dành cho sinh viên được thu khi nhập học. Đặc biệt, với hình thức xét tuyển đa dạng, nhiều học sinh nếu không may mắn trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 cũng có cơ hội được học ngành mình yêu thích ở bậc học phù hợp.

Bên cạnh đó, thông tin về việc gắn kết chặt chẽ giữa các trường đào tạo với doanh nghiệp nhằm nâng cao tính thực tiễn, cơ hội việc làm cho sinh viên trước và sau khi ra trường cũng được rất nhiều học sinh quan tâm. “Hàng năm, trường đều gửi danh sách sinh viên tốt nghiệp cho Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh, các đơn vị trong ngành xây dựng tuyển dụng theo yêu cầu. Mặt khác, thông qua mối liên hệ gắn kết giữa nhà trường, sinh viên luôn có cơ hội được thực tập với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế xây dựng hay tổ chức các ngày hội việc làm tạo cầu nối để sinh viên tiếp cận với nhu cầu thực tế…”, ông Nguyễn Cao Phong (Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Xây dựng miền Tây) cho biết.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)