Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Định hướng nghề nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Đồng Nai

Tạp Chí Giáo Dục

Hệ thống giáo dục Việt Nam gồm Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục ĐH. Có thể nói học sinh THPT đang ở giai đoạn cuối của giáo dục phổ thông, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn học để gia nhập thị trường lao động. Tùy theo sở thích, khả năng và hoàn cảnh, học sinh có thể học giáo dục nghề nghiệp hoặc giáo dục ĐH. Ngoài việc học tốt kiến thức phổ thông thì việc hướng nghiệp và tự hướng nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng cho việc chọn lựa ở giai đoạn nghề nghiệp. Bài viết sau cung cấp những thông tin về quy hoạch nguồn nhân lực và kết quả thi THPT của địa phương để học sinh có sự chuẩn bị chắc chắn cho giai đoạn học tập tiếp theo.

Những nhóm ngành nghề có nhu cầu cao cho phát triển kinh tế xã hội Đông Nam bộ và TP.HCM

Theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và nhiều địa phương thì cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của các ngành dịch vụ. Tỷ trọng khác nhau tùy địa phương, vùng. (Bảng 1)

Bảng 1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020

Từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai tầm nhìn đến năm 2030, có thể thấy các ngành, lĩnh vực địa phương có nhu cầu cao, đặc biệt các ngành cung ứng nguồn nhân lực thực hiện thành công các khâu đột phá của tỉnh, bao gồm: Dự án giao thông kết nối các dự án phát triển cảng biển, cảng hàng không; dịch vụ logistics, dịch vụ công nghệ thông tin – viễn thông, dịch vụ y tế, đào tạo, dịch vụ vận chuyển, kho bãi, công nghệ thông tin, viễn thông; chính quyền điện tử; ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp…

Về định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực, học sinh cần lưu ý các ngành nghề sau:

– Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng: Cơ khí chế tạo, điện – điện tử, chế biến thực phẩm sạch; dự án thân thiện môi trường; quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị.

– Trong lĩnh vực nông lâm thủy sản: phát triển theo tiêu chuẩn hội nhập, thân thiện và bảo vệ môi trường.

– Trong lĩnh vực dịch vụ: phát triển các ngành dịch vụ mũi nhọn có lợi thế như dịch vụ vận chuyển, kho bãi, logistics, tài chính – ngân hàng, viễn thông- công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học – công nghệ, đào tạo, du lịch, thương mại (marketing điện tử để quảng bá thương hiệu sản phẩm).

– Trong lĩnh vực y tế: Phấn đấu đạt 8 bác sĩ/vạn dân vào năm 2020. Đến cuối năm 2015, chỉ số này là 7,1, và số cán bộ y tế/vạn dân là 30,7. Cả 2 chỉ số này đều chưa đạt mục tiêu quy hoạch mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút, đào tạo nhân lực y tế.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Nai, đến năm 2020, cơ cấu nhân lực trong các khu vực như sau:

– Khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 45% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng lên khoảng 80,5% trong đó trình độ sơ cấp nghề và không bằng chiếm khoảng 56,8%, trình độ trung cấp chiếm khoảng 23,5%, trình độ cao đẳng chiếm khoảng 12,5%, trình độ ĐH trở lên chiếm khoảng 7,5%.

– Khu vực dịch vụ chiếm khoảng 35% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong khu vực dịch vụ khoảng 88%. Trong số nhân lực được đào tạo, trình độ sơ cấp nghề và đào tạo ngắn hạn chiếm khoảng 38,4% năm 2020; trình độ trung cấp chiếm khoảng 19% năm 2020; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 17,8% năm 2020; trình độ ĐH trở lên chiếm khoảng 24,7% năm 2020.

– Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 20% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Tỷ lệ nhân lực qua đào tạo tăng lên khoảng 50% trong đó trình độ sơ cấp nghề và không bằng chiếm khoảng 66%; trình độ trung cấp chiếm khoảng 22%; trình độ cao đẳng chiếm khoảng 10%; trình độ ĐH trở lên chiếm khoảng 2%.

Nhu cầu nhân lực tỉnh Đồng Nai đến năm 2025

Đồng Nai có vị trí, vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang.

Tỉnh hiện có tới 30 khu công nghiệp, từ năm 2006 đến nay, Đồng Nai luôn duy trì độ tăng trưởng kinh tế khá cao đạt 13,2%/năm. Nguồn lao động trong độ tuổi của tỉnh trên 2,5 triệu người. Nguồn nhân lực của Đồng Nai đã có sự thay đổi rất lớn cả về số lượng và chất lượng, lực lượng lao động tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 5%, gấp ba lần so với tốc độ tăng dân số chung. Số lao động chất lượng cao tăng lên nhanh chóng, thường được thể hiện ở trình độ đào tạo, lĩnh vực làm việc…, số lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng chiếm tới 91%, riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chiếm 32% tổng số lao động.

Định hướng của UBND tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 – 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65-70% là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển các ngành kinh tế, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là những ngành phát triển cần có hàm lượng chất xám cao.

Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh nói riêng và của đất nước nói chung tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực các ngành mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao. Trong giai đoạn hiện nay đến 2020-2025, tỉnh tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi đầu ngành ở lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu tỉnh còn thiếu: Công nghệ sinh học, tin học, viễn thông, y tế, vật liệu mới… Nhu cầu lao động của doanh nghiệp tại Đồng Nai bình quân mỗi năm trên 110.000 người/năm.

Những nhóm ngành nghề phát triển thu hút nhiều lao động đến năm 2025 tại tỉnh Đồng Nai:

1- Công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng…) công nghệ điện tử, viễn thông, thông tin truyền thông, mỹ thuật ứng dụng và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác.

2- Kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, cơ khí tự động hóa (điều khiển tự động, chế tạo ô tô…), cơ khí chính xác, cơ khí robot, công nghệ gốm sứ – mộc mỹ nghệ, công nghệ thiết kế thời trang, mỹ thuật ứng dụng, truyền thông đa phương tiện.

3- Kiến trúc, xây dựng, môi trường, kỹ thuật xây dựng, trang trí nội thất, sản xuất vật liệu xây dựng.

4- Kinh tế (kinh doanh, xuất nhập khầu, logistic, quản trị chất lượng….) – tài chính – hành chính, pháp luật.

5- Du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống và các nhóm ngành khoa học xã hội (xã hội học, công tác xã hội, tâm lý, biên dịch, phiên dịch ngoại ngữ Anh, Hàn, Nhật, Trung)…

6- Y, dược, kỹ thuật y sinh điều dưỡng và các chuyên ngành chăm sóc sức khỏe.

7- Công nghệ sinh học, công nghệ cao nông lâm, công nghệ chế biến nông sản, công nghệ chế biến thực phẩm.

8- Sư phạm kỹ thuật, quản lý giáo dục.

9- Văn hóa, nghệ thuật, thể thao.

Trần Anh Tuấn 
(Phó Giám đốc Trung tâm 
Dự báo nhu cầu nhân lực và 
Thông tin thị trường lao động TP.HCM)

Tính đến cuối năm 2015, số người lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, nông-lâm-ngư nghiệp lần lượt là: 40,12% (689.089 người) – 25,5% (437.723 người) – 34,38% (590.785 người), nghĩa là chưa đạt theo quy hoạch đối với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của học sinh tỉnh Đồng Nai

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, toàn tỉnh Đồng Nai có gần hơn 28 ngàn thí sinh dự thi, trong đó có hơn 19 ngàn thí sinh hệ THPT và hơn 9 ngàn thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT của toàn tỉnh đạt 97,08%; tăng 0,39% so với năm 2017. Trong đó, tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 99,39%, hệ giáo dục thường xuyên đạt 82,1% (không tính thí sinh tự do năm trước chưa đậu, năm nay thi lại), cao hơn năm ngoái là 0,99%. Toàn tỉnh có 21 trường THPT đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%.

Về điểm trung bình 3 môn thi các tổ hợp xét tuyển ĐH của tỉnh Đồng Nai, nhìn chung cao hơn nhiều tỉnh thành. Nếu quan sát tổng thể thì thấy từ năm 2015 đến nay, khối C luôn có ĐTB3MT thấp hơn ĐTB3MT của cả nước, cá biệt năm 2018, thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ.

Điểm trung bình 3 môn thi kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh Đồng Nai

Một điểm cần lưu ý của tuyển sinh năm 2018 là điểm trung bình 3 môn thi càng cao thì cơ hội được xét trúng tuyển vào các trường ĐH cũng càng cao. Thí sinh có thể so sánh điểm trung bình lớp 12 (ĐTB lớp 12) với điểm trung bình 3 môn thi (ĐTB/3MT) để ước lượng khả năng của mình, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp đến. 

Bảng 2. Điểm bình quân 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển của các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, năm 2018 (*)

(*) Chưa tính điểm ưu tiên theo đối tượng, khu vực

 

TS. Lê Thị Thanh Mai 
(ĐH Quốc gia TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)