Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Định hướng nhân sự mới: Lao động tự do

Tạp Chí Giáo Dục

Xu hướng thuê lao động tự do đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam và DN trong nước cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ này là nhằm giúp việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Vấn đề thuê ngoài (outsourcing) và lao động tự do (freelancer) gần đây đã trở thành đề tài gây chú ý và được tranh luận nhiều trên các diễn đàn, mạng xã hội chuyên sâu về nghề nghiệp tại Việt Nam.

Cung đã gặp cầu?

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC năm 2007, chỉ có 17% doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam có quan tâm và sử dụng dịch vụ thuê ngoài.

Nhưng theo một khảo sát trong phạm vi nhỏ giữa năm 2011 của Motibee.com, xu hướng thuê lao động tự do đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam và DN trong nước cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của dịch vụ này là nhằm giúp việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Dù lao động tự do không thể thay thế nhân sự chính thức, nhưng không thể phủ nhận những lợi điểm của việc thuê ngoài.

Những thuận lợi của việc sử dụng lao động tự do trong bối cảnh nhân lực đang thiếu hụt và kinh tế biến động hiện tại có thể kể đến như: giải quyết tốt công việc khi cần một kỹ năng đặc thù nào đó không thường xuyên, khi cần có kết quả nhanh và gấp mà không đủ thời gian đào tạo trong nội bộ, khi cần ý tưởng mới/giá trị mới…

Về mặt chi phí, DN được lợi không ít nhờ cắt giảm chi phí cố định, không phát sinh phụ phí và ít gặp phải trường hợp bị động khi nhân sự cố định nghỉ việc (ngoại trừ trường hợp có sẵn nguồn thay thế).

Hiểu rõ tính chất của free-lancer

Theo anh Lê Anh Tuấn, Công ty Climax, với những phần dự án cần thực hiện gấp hoặc khách hàng có yêu cầu cao, sử dụng cộng tác viên là lựa chọn đúng đắn.

Tuy vậy, “buyer” (thuật ngữ chỉ phía thuê nhân sự bên ngoài) phải hiểu rõ vấn đề: sử dụng cộng tác viên nhưng phải nắm được cách kiểm soát họ.

Người thực hiện việc kiểm soát này có thể đến từ bên thứ ba nếu nhà quản trị chưa có kinh nghiệm giao khoán công việc – là một chuyên gia khác trong ngành. Chính chuyên gia này cũng là người đưa ra danh sách cộng tác viên với các kỹ năng cần thiết để DN lựa chọn.

Đi sâu hơn vào vấn đề sử dụng người làm việc tự do, chị Thanh Ngọc, Giám đốc Cộng đồng Yahoo!, cho rằng, nếu khó có thể tự quản lý hoặc thuê chuyên gia về người làm việc tự do, DN có thể thuê ngoài những người gọi là “key person” – những chuyên gia đã có sẵn đội nhóm, mạng lưới người làm việc tự do cho ngành nghề của họ.

Mọi hoạt động của “key person” cũng tương tự công việc của một nhân viên quản lý dự án thường thấy trong các công ty. “Key person”cũng như người làm việc tự do, hoàn toàn có thể được tuyển chọn từ các mạng xã hội dành cho doanh nhân, người đi làm như LinkedIn, Motibee.com…

Mặt trái của phương thức sử dụng nhân lực tự do là: thiếu tính cam kết và sự ràng buộc dài hạn giữa tổ chức và cá nhân được thuê. Từ những kinh nghiệm thất bại của mình, anh Đoàn Mạnh Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật KingBee Media, khuyến khích các quản lý thỏa thuận một cách kỹ lưỡng và chi tiết hạng mục công việc và tiêu chí nghiệm thu, thanh toán phải cụ thể trên từng giai đoạn dự án để tránh rủi ro cộng tác viên của mình bỏ ngang hoặc mất khả năng thực hiện công việc được giao.

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa người thuê ngoài và lao động tự do là thanh toán và nghiệm thu hợp đồng. Nếu quy trình làm việc không phân rõ và tính phí cho từng phần việc nhỏ, hoặc hai bên không có dự trù cho phần phát sinh ngoài dự kiến, rất dễ dẫn đến xung đột.

Một lý do bất đồng quan điểm khác khi nghiệm thu là kỳ vọng của người thuê mướn. Không phải người thuê mướn nào, ngoài những KPI mang tính số liệu, cũng hiểu hết mảng công việc đang giao khoán ra bên ngoài, những yếu tố khách quan…, nên khi kết quả không như mong đợi, họ thường quay ra phạt tiền người được thuê.

Hoặc ngược lại, người được thuê có hành vi lừa gạt bên thuê mướn cũng không phải hiếm. Trong những trường hợp này, vai trò của “key person” càng trở nên quan trọng.

 

Tìm kiếm người làm việc tự do ở đâu?

Hiện nay, nguồn thông tin tuyển dụng nhân lực tự do thường được những người thuê mướn khai thác qua mạng lưới quan hệ cá nhân, đồng nghiệp hoặc trên cộng đồng chuyên ngành. Những dịch vụ tuyển dụng trực tuyến hiện nay thường thiên về cung cấp nhân sự cố định.

Những cơ chế trung gian cho bên thuê ngoài và lao động tự do ở Việt Nam đang dần hoàn thiện, có thể kể đến các trang web như: vieclamthem.motibee.com, jobbid.vn…

Trong thực tế, việc thuê freelancer đã ăn khá sâu vào đời sống kinh tế DN và phát triển rất mạnh ở các mảng như: công nghệ thông tin, thiết kế, sáng tạo mỹ thuật, tiếp thị trực tuyến, nhập liệu, tổ chức sự kiện, giảng dạy, pháp lý…

Đối với các ngành sản xuất cần nhiều lao động, nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam đã đi tiên phong nhiều năm trong việc thuê mướn thầu phụ lao động, trong khi hiếm có công ty trong nước sử dụng hình thức này.

Cơ hội để kinh doanh trong lĩnh vực trung gian phục vụ nhu cầu tìm việc làm thêm và thuê nhân sự bên ngoài là rất lớn, nhưng có lẽ cũng cần thêm thời gian để thị trường quen với các phương thức này thì các nhà cung cấp dịch vụ trong nước mới có thể vươn vai trở thành những công ty môi giới lớn, chuyên nghiệp như Freelancer.com, Guru.com…

Theo Việt Anh

Tạp chí Công sở

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)