Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Định hướng nội dung học vấn phổ thông sau năm 2015

Tạp Chí Giáo Dục

GD sau năm 2015 phải chú trọng tới việc rèn luyện phương pháp tự học của HS. Ảnh: K.A
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành chưa chú trọng đúng mức tới việc rèn luyện phương pháp tự học, thực hành và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh (HS). Bên cạnh đó vẫn chưa chú ý hình thành, phát triển các năng lực (NL) cần thiết cho HS, đặc biệt là NL nhận thức, NL sáng tạo, NL giải quyết vấn đề, NL hoạt động xã hội…
Thực tiễn GDPT đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có nội dung học vấn (NDHV) trong nhà trường. Theo đó, NDHV trong nhà trường phải tránh được sự quá tải cho HS mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân.
Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn NDHV trong trường phổ thông
Việc chọn lựa NDHV trong nhà trường cần dựa trên các nguyên tắc và tiêu chí nhất định. Ba nguyên tắc: Nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp giữa NDHV với các yêu cầu của xã hội phát triển. Theo đó phải đưa vào NDHV những tri thức, kỹ năng phản ánh những thành tựu của khoa học công nghệ trên thế giới và sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đồng thời thực hiện các chức năng GD và phát triển của dạy học. Nguyên tắc tính đến mặt ND và mặt quá trình, gạt bỏ sự định hướng phiến diện của NDHV và xem xét ND tách rời thực tiễn sư phạm, nghĩa là tách rời khỏi quá trình dạy học cụ thể mà ngoài quá trình đó NDHV không thể thực hiện được. Như vậy, khi thiết kế NDHV môn học cần phải tính đến các phương pháp, quy luật, nguyên tắc dạy học nói chung. Nguyên tắc về sự thống nhất cấu trúc của NDHV ở những cấp độ khác nhau như khái niệm, lý thuyết, môn học, nhân cách của HS, có sự kế thừa từ cấp học này đến cấp học khác. Năm tiêu chí: Phản ánh trọn vẹn vào NDHV các nhiệm vụ hình thành nhân cách phát triển hài hòa. Các ND của cơ sở khoa học đưa vào NDHV phải có giá trị thực tiễn và khoa học cao. Tính phức tạp của ND phải tương xứng với khả năng học tập hiện thực của HS ở tuổi nhất định. Khối lượng ND phải tương ứng với thời gian dành cho việc nghiên cứu môn học hoặc tổ chức hoạt động GD đó. ND phải tương xứng với hệ thống cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện có của nhà trường hiện đại.
Định hướng tổ chức NDHV
NDHV ở trường phổ thông sau năm 2015 phản ánh bốn thành tố của nền văn hóa nhân loại, bao gồm các tri thức, kỹ năng nền tảng cho việc hình thành và phát triển ở HS các năng lực về tiếng Việt (TV), toán, khoa học và công nghệ, văn hóa và nhân văn, thực hành ngoại ngữ, kỹ năng thông dụng về thông tin và truyền thông. Đồng thời hình thành các NL xã hội và NL sáng tạo ở HS. Trong đó, lĩnh vực ngôn ngữ bao gồm: TV, tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc (TDT) thiểu số; lĩnh vực khoa học tự nhiên: tri thức về vật lý, hóa học và sinh học; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: tri thức về văn học, lịch sử, địa lý, chính trị; lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ: tri thức về kỹ thuật phổ thông và tin học; lĩnh vực thể dục và sức khỏe: kỹ năng thể dục, thể thao, hiểu biết về bảo vệ sức khỏe; lĩnh vực hoạt động xã hội bao gồm hoạt động lao động kỹ thuật, hoạt động công ích, hoạt động chính trị – xã hội.
NDHV ở nhà trường phổ thông được tổ chức theo hai giai đoạn: giai đoạn GD cơ sở (cơ bản, bắt buộc) và giai đoạn sau GD cơ sở chuẩn bị cho HS vào đời hoặc học lên CĐ-ĐH.
Ở giai đoạn GD cơ sở, HS được tiếp nhận những kiến thức, kỹ năng phổ thông cơ bản cần thiết cho mỗi con người sống trong xã hội hiện đại. Ở giai đoạn sau GD cơ sở, NDHV không áp dụng đồng loạt cho mọi HS mà có nhiều phương án thực hiện để tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho HS.
Một số ví dụ cụ thể
Năng lực TV thể hiện ở chỗ HS biết đọc, nói và viết TV phù hợp với sự thâm nhập mọi lĩnh vực tri thức và mọi tình huống giao tiếp. Kết thúc giai đoạn GD cơ sở, HS phải đạt được các yêu cầu: HS có những hiểu biết cơ bản về TV/TDT gồm hệ thống chữ cái, phát âm, chính tả, dấu câu, từ và tu từ, cú pháp, đoạn văn và văn bản. HS có được 4 kỹ năng cơ bản với mức độ khá tốt, làm nền tảng công cụ cho việc học tập ở nhà trường và sinh hoạt giao tiếp trong cuộc sống: nghe – nói – đọc – viết chính xác, thành thạo, trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp, thể hiện đúng ý tưởng, phù hợp với mục đích, đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp. HS yêu TV/TDT, có ý thức bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của TV/TDT. Việc trang bị các kiến thức về TV chủ yếu là nhiệm vụ của môn TV – ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Nhưng việc rèn luyện, trau dồi, phát triển kỹ năng, tình cảm, thái độ đối với TV/TDT phải là nhiệm vụ của tất cả các môn học, các hoạt động GD trong cũng như ngoài nhà trường.
Kết thúc giai đoạn sau GD cơ bản, HS phải đạt được các yêu cầu: nắm vững các kiến thức cơ bản, có thêm một số hiểu biết mới về các đơn vị ngôn ngữ đã nêu ở giai đoạn trước bằng việc mở rộng theo các chuyên đề tự chọn; làm chủ được bốn kỹ năng ngôn ngữ với mức độ tốt; giữ được tình yêu TV/TDT, có hành động cụ thể rõ hơn về ý thức giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng, giàu đẹp của TV/TDT. Về năng lực toán học: Để hình thành và phát triển các thành tố của NL toán học cần đưa vào ND toán học trong trường phổ thông những mạch kiến thức như các tập hợp số (số tự nhiên, số nguyên, số hữu tỷ, số thực); tương quan hàm và các vấn đề có liên quan (tương quan hàm, biểu thức, phương trình, bất phương trình, hàm số và đồ thị, véc-tơ – phương pháp tọa độ và đại số hình học); các hình hình học (các khái niệm cơ bản, các hình hình học thông thường, các công thức); thu thập và xử lý số liệu (thống kê và phương pháp thống kê, sơ lược về xác suất).
Ở giai đoạn GD cơ sở, các NL toán học cần được hình thành ở HS là NL trừu tượng hóa và khái quát hóa, NL suy luận logic kết hợp với trực giác, quy nạp, NL tưởng tượng không gian, NL thao tác và sử dụng số tương quan hàm số cùng các yếu tố có liên quan, NL nhận thức và ứng dụng trong tương quan hàm số cùng các yếu tố có liên quan, NL mô hình hóa toán học và sử dụng phương pháp toán học để giải quyết tình huống đặt ra, NL thu thập và xử lý số liệu nhằm bước đầu phát triển tính quy luật của hiện tượng cần xem xét, khả năng nhớ những điều cơ bản, cần thiết – đặc biệt là các cách thức suy luận, phương pháp, công thức thường sử dụng.
Giai đoạn sau GD cơ sở: tiếp tục phát triển các thành tố đã hình thành được của NL toán học ở giai đoạn GD cơ sở, nâng cao NL trừu tượng hóa, khái quát hóa, suy luận logic, dự đoán, mô hình hóa toán học cho HS khá giỏi. Đặc biệt lưu ý việc phát triển NL ứng dụng toán học vào việc học tập các môn học khác, các tình huống thực tiễn.n
Kim Anh (ghi)
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ
(Viện Khoa học giáo dục)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)