Đam mê thần tượng là hiện tượng tâm lý rất đỗi bình thường diễn ra ở độ tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, nhiều em lại thể hiện sự đam mê thái quá…
Dở khóc dở cười
Hình ảnh giới trẻ say mê thần tượng đến mức mừng rỡ, thậm chí khóc lóc, ngất xỉu khi nhìn thấy thần tượng đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi trong dư luận những năm gần đây. Có thể xem đây là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Chị Thu Minh (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều lần thấy con nghe nhạc Hàn Quốc, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cháu nghe để giải trí. Khi phát hiện con mình “cuồng” nhạc Hàn Quốc đến mức thái quá, tôi bàng hoàng. Có lần, cháu nói dối tôi đi học nhưng thực chất là đi cùng bạn bè để chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ giữa những người bạn yêu thích nhạc Hàn Quốc. Việc say mê thần tượng là bình thường nhưng tôi sợ cháu lơ là việc học, nói dối ba mẹ dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực khác”. Tâm sự của chị Thu Minh cũng là tâm sự của rất nhiều phụ huynh khác khi có con trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Có lẽ các bậc phụ huynh sẽ hoảng hồn khi được tận mắt chứng kiến cảnh con mình bày tỏ sự hâm mộ thần tượng với đủ các hành động như: La hét, reo hò, ôm nhau khóc lóc, hôn cả chiếc ghế mà thần tượng vừa ngồi… Nhiều chuyện kinh hoàng của fan cuồng đã được ghi lại từ không ít những chuyến lưu diễn sang Việt Nam của các ca sĩ Hàn Quốc là minh chứng cho những kiểu hâm mộ thần tượng của một số bạn trẻ hiện nay.
Sự gần gũi, quan tâm đến sở thích, nhu cầu của con sẽ tạo niềm tin để trẻ thoải mái chia sẻ với ba mẹ hơn về thần tượng của mình (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: I.T |
Thần tượng một ai đó vẫn là quyền của mỗi cá nhân nhưng thể hiện cảm xúc của riêng mình như thế nào là đủ lại là điều đáng suy ngẫm. Có bạn trẻ thần tượng người mẹ vất vả lo toan cho gia đình. Có bạn lại thần tượng người thầy luôn gần gũi, chia sẻ với học trò. Có bạn lại thần tượng một người bạn cùng lớp với nhiều tài lẻ… Tuy nhiên, với giới trẻ ngày nay, thần tượng phổ biến là những ngôi sao trong lĩnh vực nghệ thuật như ca sĩ, diễn viên điện ảnh, vận động viên thể thao…
Đứng trước làn sóng văn hóa giải trí ngày càng đa dạng, các em chưa được trang bị kiến thức vững chắc về kỹ năng sống, kỹ năng xã hội nên dễ dàng bị ảnh hưởng. Không ít bạn trẻ đã tự đẩy mình vào lối sống buông thả từ việc chọn không đúng thần tượng. Anh Xuân Phú (Q.5) kể lại: “Một hôm, con trai tôi trở về nhà với đầu tóc nhuộm đủ màu sắc. Tôi tá hỏa, hỏi chuyện ra thì mới biết cháu nhuộm tóc để giống một nam ca sĩ nhạc trẻ mà cháu yêu thích. Ngay cả trong cách ăn mặc, cháu cũng cố gắng để bắt chước thần tượng của mình một cách thái quá. Tôi la mắng, nhắc nhở thì cháu khó chịu, lầm lì”.
Xác định thần tượng đúng nghĩa
Yêu mến, đam mê một thần tượng để học hỏi những điều tốt đẹp, phát triển bản thân thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, hành động hâm mộ thần tượng của một số bạn trẻ hiện nay đang ở mức báo động. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt cho biết: “Bản chất của việc thần tượng, yêu mến một ca sĩ, diễn viên không phải là xấu nhưng nếu quá đà, không biết tiết chế thì sẽ không tốt. Nếu mỗi gia đình nói chung và xã hội nói riêng không thực sự nghiêm túc trong vấn đề định hướng cho suy nghĩ của giới trẻ về vấn đề thần tượng thì sẽ rất nguy hiểm”.
Không ít bạn trẻ có tâm lý đám đông khi thần tượng một ai đó. Thế giới giải trí lại quá hấp dẫn đã cuốn hút các em, làm các em mong muốn được như thần tượng. Từ đó, tâm lý đua đòi, chạy theo phong cách của thần tượng để chứng tỏ sự sành điệu của mình càng làm các em hứng thú. Em Nguyễn Thanh Ngân (SN 1998) cho biết: “Em thấy việc thần tượng một ai đó không có gì đáng để lên án. Tuy nhiên, nhiều bạn lại quá ngông cuồng, không nhận thức rõ vấn đề. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không hiểu tâm lý con cái nên mới dẫn đến những trường hợp cha mẹ và con cái bất hòa. Em cũng thần tượng một ca sĩ nhưng em chỉ nghe nhạc của ca sĩ đó những lúc rảnh rỗi để thư giãn đầu óc sau những giờ học tập căng thẳng. Ba mẹ em cũng hoàn toàn ủng hộ”. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng có may mắn như Thanh Ngân khi có ba mẹ gần gũi, chia sẻ về thần tượng của em.
Hiện nay, sức ép học tập từ phía gia đình, nhà trường lên học sinh rất lớn. Ở một số gia đình, người lớn chưa thật sự có ý thức xây dựng hình tượng của mình trong mắt con cái. “Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu cùng con trẻ về việc chọn thần tượng phù hợp, tốt cho tương lai của con trẻ. Chính sự tương tác qua lại đó sẽ giúp trẻ hiểu vấn đề, nhận ra đâu là thần tượng đúng nghĩa. Tuyệt đối không nên đánh mắng bởi các em chưa có nhận thức đúng đắn về thần tượng mà chủ yếu là do xu hướng hòa theo đám đông, thích thể hiện”, thạc sĩ Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.
Yên Hà
Thần tượng một ai đó thường khiến trẻ có xu hướng quan tâm, sưu tầm mọi thứ liên quan đến thần tượng của mình. Để có thể kịp thời ngăn chặn, định hướng cho con cái, phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho các con, quan tâm đến sở thích, nhu cầu của con. Chính sự gần gũi, gắn kết đó sẽ tạo niềm tin để trẻ thoải mái chia sẻ với ba mẹ hơn về thần tượng của mình. |
Bình luận (0)