Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Định hướng thưởng thức văn hóa có chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa vội bàn đến vấn đề sản xuất và xuất khẩu văn hóa ra sao, đã xứng tầm với tiềm năng, nội lực của đất nước hay chưa; chỉ với việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa, chúng ta còn đang loay hoay… Những hiện tượng chưa tích cực gần đây như: giang hồ mạng được hoan nghênh; một bộ phận cộng đồng mạng “hiếu chiến” trong các cuộc tranh luận bảo vệ thần tượng của mình, bất chấp đúng sai, phải trái; các ấn phẩm kém chất lượng, không phù hợp thuần phong mỹ tục ngang nhiên xuất hiện, được quảng bá rầm rộ… đang phần nào phản ánh những vệt tối về bức tranh tiêu thụ các sản phẩm văn hóa của người xem Việt.

Đào tạo nghệ sĩ để hoạt động văn hóa nghệ thuật đã khó. Nhưng để đào tạo khán – thính giả, độc giả thưởng thức nghệ thuật còn khó khăn gấp bội. Mà công chúng lại chính là một thành tố vô cùng quan trọng trong dây chuyền khép kín, ảnh hưởng tác động qua lại của vòng quay văn hóa.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021, hy vọng với sự đổi mới trong chương trình, trình độ và kỹ năng thưởng thức thẩm mỹ sẽ được nâng cao ở công chúng, nhất là các em học sinh. Tuy vậy, đó là kết quả của nhiều năm sau nữa. Trước mắt, công chúng cần được trang bị những kỹ năng chọn lọc trong việc thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Theo đó, công chúng phải có nhu cầu, ý thức xem các sản phẩm tử tế, văn minh, có giá trị thẩm mỹ cao. Đặc biệt, để xây dựng một môi trường thưởng thức văn hóa lành mạnh, vai trò của người lớn trong việc định hướng con trẻ tiêu thụ văn hóa phải được quan tâm hơn nữa, nhất là trong tình hình không gian mạng “thượng vàng hạ cám”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực như hiện nay. Nếu cả xã hội không cùng nhận thức một cách đầy đủ về việc định hướng thưởng thức văn hóa, tiêu thụ văn hóa thì hậu quả sẽ rất khôn lường, và thật khó để cứu vãn trong ngày một ngày hai.

Trn Xuân Tiến

 

Bình luận (0)