Việc tuyển dụng giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tăng cường (TATC) không dễ, lại còn có GV nghỉ việc vì định mức tiết giảng dạy… cào bằng. Vì vậy, nhiều quận huyện và trường học đã tự cân đối thu chi từ khoản học phí của chương trình TATC để có mức trả phù hợp nhằm “giữ” chân GV.
Khó giữ chân GV TATC
Tại khoản 1, điều 6, Thông tư 28 của Bộ GD-ĐT quy định về chế độ làm việc đối với GV phổ thông nêu rõ định mức tiết dạy của GV tiểu học là 23 tiết, GV THCS là 19 tiết, GV THPT là 17 tiết/tuần. Căn cứ vào thông tư này, ngày 12-5-2016, Sở GD-ĐT TP đã ban hành công văn 1435 hướng dẫn việc tính định mức tiết dạy đối với GV tiểu học được tuyển dụng dạy TATC thực hiện số tiết định mức là 23 tiết/tuần.
Hiệu trưởng một trường tiểu học (xin được giấu tên – PV) chia sẻ: “Định mức tiết dạy của GV dạy TATC ở bậc tiểu học là 23 tiết/tuần được coi là nghĩa vụ và không được trả thêm dù đây là chương trình có thu thêm học phí của học sinh. Trước đây, GV dạy TATC trường chúng tôi vẫn được trả 50.000 đồng/tiết nhưng khi áp dụng Thông tư 28 và hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP thì áp dụng như các GV bộ môn khác”.
Tương tự, một số trường THCS trên địa bàn TP cũng áp dụng chương trình TATC vào giảng dạy thay cho chương trình phổ thông. Nhiều hiệu trưởng khẳng định rằng không thể áp dụng định mức cho GV TATC như GV bộ môn khác do đặc thù công việc nặng nhọc hơn.
Trường THCS Võ Trường Toản, là một trong 3 trường THCS đầu tiên của Q.1 thực hiện chương trình TATC (hơn 10 năm). Đến nay, toàn bộ GV tiếng Anh của trường đều giảng dạy chương trình TATC. Thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Dạy TATC nặng hơn nên chúng tôi đã kiến nghị lên Bộ GD-ĐT không nên áp dụng định mức chung cho tất cả GV nhưng bộ lại cho rằng đây là chương trình riêng của Sở GD-ĐT nên không giải quyết”.
Do đặc thù công việc nên ông Khoa chia sẻ thêm: “Các trường THCS trên địa bàn quận áp dụng định mức theo quy định của UBND Q.1 từ năm 2003 đến nay là GV TATC dạy từ tiết 14 sẽ được hưởng thêm tiền từ thu học phí TATC. Mức hưởng thêm này mỗi trường khác nhau, như trường chúng tôi hưởng thêm mỗi tiết là 70.000-80.000 đồng”. Mặc dù từ tiết 14 GV được hưởng thêm nhưng ông Khoa cho rằng vẫn chưa làm hài lòng GV vì công sức mà GV dạy TATC bỏ ra rất cực, nếu dạy ở các trung tâm có thể cao hơn. Ông Khoa cho biết: “Cũng vì áp lực giảng dạy, thu nhập nên một số trường gặp khó khăn trong tuyển dụng GV, thậm chí một số GV dạy TATC trên địa bàn quận xin nghỉ việc sau một vài tháng giảng dạy”. Được biết, vừa qua Trường THCS Võ Trường Toản cũng có 1 GV TATC xin nghỉ việc.
Linh hoạt để giữ GV
Nếu cứ áp dụng theo thông tư của bộ, các trường cho rằng sẽ khó giữ chân được GV. Do vậy, hiện nhiều quận vẫn áp dụng mức cũ nhưng thiếu sự thống nhất.
Q.Bình Tân hiện có 13 trường tiểu học giảng dạy TATC nhưng không áp dụng đại trà. Ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân – cho hay: “Vừa qua, Phòng GD-ĐT quận cùng các phòng GD-ĐT quận, huyện khác đã họp bàn với Sở GD-ĐT thống nhất lại định mức cho GV TATC. Hiện đối với GV TATC chúng tôi trả thêm 35.000 đồng/tiết theo định mức, nếu vượt ngoài định mức thì trả thêm 45.000 đồng/tiết”.
Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh hiện có 4 GV giảng dạy chương trình tiếng Anh. “Nếu thực hiện đúng thông tư thì quả là bất công bằng cho GV dạy TATC vì họ dạy cực hơn, phải đáp ứng được 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh. Vì vậy, để tương xứng với chất xám mà họ đã bỏ ra, chúng tôi trích từ học phí của học sinh học TATC để trả thêm” (thầy Nguyễn Hữu Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường – thông tin).
Về vấn đề này, cô Hồ Thị Ngọc Sương – Hiệu trưởng Trường Chu Văn An, Q.1 – cũng chia sẻ: “Trường mới giảng dạy TATC từ năm học 2015-2016 với 3 lớp và 3 GV. Những tiết dạy TATC, học sinh có đóng học phí nên nhà trường trích 60% để trả cho GV, còn lại là phí quản lý, cơ sở vật chất…”.
Từ những vấn đề này, thầy Cao Đức Khoa đề xuất: “Đối với GV dạy TATC cần sớm có chính sách riêng, phù hợp hơn, xứng đáng hơn, cụ thể hơn để họ gắn bó với nghề”.
Dương Bình
Bình luận (0)