Trong khi nhiều bạn đang lục đục kéo nhau về quê ăn tết thì một số sinh viên đang cố nán lại thành phố để tranh thủ kiếm thêm.
Thời điểm này, các sinh viên đã kết thúc việc thi học kỳ. Thời gian nghỉ tết kéo dài, thêm vào đó nhu cầu việc làm tăng cao nên các bạn trẻ dễ dàng kiếm được một công việc dịp cận Tết.
Những công việc thông thường mà nhiều bạn lựa chọn là bán hàng, giao hàng, dọn dẹp nhà cửa, trông trẻ, làm PG, phục vụ, phát tờ rơi hay phát hàng khuyến mãi…
Một trong những cơ hội “rộng cửa” cho các bạn sinh viên là những hội chợ lớn, nơi có hàng trăm gian hàng của các doanh nghiệp với nhu cầy tuyển dụng nhân viên lớn. Tuy nhiên để chen chân tại đây, nhiều sinh viên đã phải “săn việc” từ rất sớm.
Ngoài việc làm thuê, nhiều bạn cũng chủ động kinh doanh bằng những sản phẩm tự tay làm như: thiệp, giỏ hoa, hộp quà…để bán ở chợ đêm sinh viên, hoặc chợ đêm Đồng Xuân. Số khác lại rủ nhau lập nhóm kinh doanh đào, quất. Năm ngoái, nhóm của Thắng (sinh viên năm 4, ĐH Công đoàn) chỉ dám mua tận vườn 100 gốc quất về bán chơi. Số lượng bán ra chỉ khoảng 30 gốc, phần lớn là tặng người thân và mang về nhà chơi nhưng cũng lãi được khoảng 2 triệu đồng. Chính vì vậy năm nay, cả nhóm quyết định đánh “mẻ” lớn, bao trọn cả vườn quất với hi vọng năm nay “trúng” lớn.
Bán hàng là công việc phổ biến dịp tết được nhiều bạn trẻ lựa chọn (Ảnh: TTVH)
Những năm gần đây, sinh viên thường có tâm lý muốn tự kiếm tiền tiêu tết mà không muốn xin bố mẹ. Thêm vào đó, không khí làm thêm trước Tết rạo rực khiến nhiều bạn đứng ngồi không yên. Ngoài mục đích dành dụm tiền tiêu tết và sắm quà cho gia đình, nhiều bạn còn muốn sắm sửa cho bản thân đồ dùng mới như quần áo, điện thoại… để chơi tết.
Tuy nhiên sự làm thêm của nhiều bạn trẻ không hẳn suôn sẻ. Nhiều bạn chưa có kinh nghiệm thường tìm đến các trung tâm môi giới, qua cửa “cò” nên rất dễ bị lừa. Việc bị chủ trừ đầu trừ đuôi tiền lương cũng là chuyện thường nhưng các bạn vẫn phải “cắn răng” cho qua, tự an ủi mình coi như đó là kinh nghiệm đau thương.
Sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ, Huyền Thương, sinh viên năm 2 trường ĐH Thương mại cũng sốt sắng tìm việc và xin được một chân bán hàng ở cửa hàng mứt tết. Với mức lương 100.000 đồng/ngày nhưng Thương bị chủ ép làm tăng ca mà không được tính thêm tiền công, thậm chí những lúc cửa hàng đông khách, bị mất đồ thì chị chủ cứ thế tính thiệt hại và chia bình quân cho Thương và một bạn cùng làm.
Mạnh Tuấn, 22 tuổi, quê ở Thái Bình đã có kinh nghiệm 3 năm làm thêm dịp Tết. Những năm trước, Tuấn thường xin bán hàng và tầm chiều 30 Tết là xách ba lô về quê với số tiền rủng rỉnh khoảng 2- 3 triệu. Năm nay, cậu quyết định ăn tết xa nhà để trải nghiệm cảm giác đón tết thành phố và tranh thủ kiếm đủ tiền để mua Iphone. Trước tết khoảng 2 tháng, Tuấn đã xin được chân phục vụ cho một quán bar. Do những ngày tết, bar vẫn mở cửa như thường và dự đoán lượng khách sẽ tăng. Được chủ hứa hẹn sẽ trả lương gấp đôi nếu chịu ở lại làm qua Tết, Tuấn chấp nhận “hi sinh” cái tết đầm ấm bên gia đình để “cày” tiền.
Nhiều sinh viên chấp nhận ăn tết xa nhà để kiếm tiền (Ảnh: Tiền phong)
“Biết là bố mẹ ở quê sẽ buồn nhưng mình muốn thử một năm đón tết xa nhà. Khoảng mùng 5 mình sẽ về đón tết muộn với gia đình. Hi vọng lúc đó sẽ mang về một khoản để bố mẹ ăn tết Nguyên Tiêu”, Tuấn chia sẻ
Còn Thu Hà, sinh viên trường CĐ Du lịch Hà Nội có một kết hoạch làm thêm Tết khá tỉ mỉ. Hiện tại, Hà đang là nhân viên giới thiệu sản phẩm tại siêu thị BigC. Hà cho biết sau khi công việc kết thúc vào chiều 29, Hà sẽ lên đường về quê ăn tết, sau đó sẽ trở lên Hà Nội vào sáng mùng 2 tết để cùng bạn mở hàng ăn. Hà cho hay cô nảy ra ý tưởng này là do nhận thấy vào dịp tết, các cửa hàng ăn uống thường đóng cửa, những người ăn tết xa quê, hay người Hà Nội muốn ra ngoài ăn cũng khó, thực phẩm thì khó kiếm. “Mình chịu khó một chút nhưng sẽ kiếm được khoản kha khá để ra giêng đi du lịch”, Hà vui vẻ nói.
Không chỉ các sinh viên ngoại tỉnh, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội cũng đang tất bật với việc làm thêm dịp Tết. Lý do chủ yếu mà nhiều bạn chia sẻ là để tích lũy kinh nghiệm sống, trải nghiệm một cái tết khác ở Hà Nội và có thêm chút tiền tự trang trải cho bản thân.
Dù sốt sắng kiếm tiền nhưng các bạn trẻ nên chú ý sức khỏe của mình, đừng để tiền chưa cầm tay mà đã "lăn quay" ra ốm và phải đón một cái tết không trọn vẹn.
Theo Nhuệ Giang
(Nguoiduatin.vn)
Bình luận (0)