Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Discovery – câu chuyện nhỏ từ những điều đơn giản!

Tạp Chí Giáo Dục

Từ phải qua trái: Hoàng Mạnh Cường, Phan Ý Ly, Phan Duy Linh và Nguyễn Mạnh Hà – Ảnh: Cát Khuê

Sáng hôm qua, sau 2 ngày thuyết trình và bảo vệ dự án trước Ban giám khảo, 5 ý tưởng chính thức và 2 ý tưởng dự phòng của các nhà làm phim tài liệu VN đã được tuyển chọn để chuẩn bị thực hiện những bộ phim tài liệu sẽ phát sóng trên kênh truyền hình Discovery.

2 tháng là khoảng thời gian hơi ngắn cho việc chuẩn bị một dự án phim tài liệu từ ý tưởng đến kịch bản, là suy nghĩ của một số nhà làm phim khi tham gia. Tuy nhiên, có gần 100 ý tưởng kịch bản từ khắp cả nước đã được gửi đến ban tổ chức. 12 ý tưởng kịch bản tốt nhất đã được chọn và mời các nhà làm phim đến để tham dự vòng thuyết trình phỏng vấn trực tiếp với Ban giám khảo đến từ kênh Discovery, quỹ Ford, đại diện Cục Điện ảnh… để chọn ra 5 ý tưởng chính thức được đào tạo, giúp đỡ tài trợ làm phim.

Điều ngạc nhiên là cả 5 ý tưởng được chọn đều có đề tài về Hà Nội, trong đó 3 ý tưởng là những câu chuyện đã quen thuộc trên báo chí như bà Nhân – người phụ nữ sống trong căn “hầm” ở Ô Quan Chưởng, ông Long – người chiếu phim thủ công trong công viên Thủ Lệ hay chuyện sống chết ở vùng nghĩa trang Văn Điển…

Các nhà làm phim có dự án được chọn sẽ tiếp tục làm việc với phía đại diện VN được Discovery chỉ định để phát triển kịch bản, lên kế hoạch sản xuất nhằm chuẩn bị thực hiện bộ phim theo tiêu chuẩn của Discovery.

Ông Vikram Channa – Phụ trách sản xuất mạng lưới Discovery châu Á – Thái Bình Dương

Ông Vikram Channa – Phó chủ tịch phụ trách chương trình tại Ấn Độ, phụ trách sản xuất mạng lưới Discovery châu Á – Thái Bình Dương, đã trả lời phỏng vấn của PV Báo Thanh Niên.

* Ông có hài lòng về kết quả các đề tài của cuộc tuyển chọn với 5 dự án chính thức và 2 dự án dự phòng cho việc sản xuất phim trên Discovery?

– Phải nói là tôi rất hài lòng. Tất cả những ý tưởng được chọn đã được các tác giả thuyết trình rất tốt. Như bạn biết, trước khi có buổi thuyết trình, chúng tôi đã có một hội thảo để nói với các nhà làm phim về tiêu chí của kênh Discovery với phim tài liệu. Ngay sau đó, có thể thấy các nhà làm phim VN đã vận dụng hiệu quả khi bảo vệ các dự án của họ trước ban giám khảo. Đây là những đề tài có tính chất quốc tế, ý tưởng mạnh mẽ và sâu sắc, thuyết phục.

* Kênh Discovery đã thực hiện những dự án làm phim tương tự như thế này ở những nước nào rồi, thưa ông?

– Cuối thập kỷ 90, chúng tôi đã bắt đầu hình thức làm phim này ở một số nước châu Âu. Hiệu quả tốt của hình thức này đã cho chúng tôi mạnh dạn thể nghiệm ở các nước châu Á – Thái Bình Dương. Đầu tiên là ở Úc, năm 2001 là ở cùng lúc 6 nước và vùng lãnh thổ, năm 2002 chúng tôi đã làm riêng ở Trung Quốc. Rồi Malaysia đã có 2 năm liên tiếp triển khai dự án. Bây giờ là VN với lần đầu tiên. Cốt lõi của hình thức này không phải là việc dạy làm phim, mà là sẽ tạo ra động lực để các nhà làm phim địa phương làm việc với thế giới và hướng tới thị trường thế giới.

* Theo ông, cơ hội này sẽ mang lại những lợi ích gì về mặt quảng bá hình ảnh VN khi những bộ phim tài liệu về VN được làm bởi những người Việt sẽ được trình chiếu trên kênh Discovery?

– Chúng tôi có hàng triệu triệu khán giả trên toàn thế giới xem kênh Discovery. Và điều đó có nghĩa là khi phim làm xong, những câu chuyện nhỏ của VN được kể bởi các nhà làm phim tài liệu VN sẽ đến với khán giả khắp thế giới.

* Cảm ơn ông.

5 dự án chính thức được chọn:

– Ngôi nhà lớn nhất, ngôi nhà nhỏ nhất – đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà
– Những chiến sĩ chống lại ùn tắc đường – đạo diễn Phan Duy Linh
– Thành phố của đam mê – đạo diễn Phan Ý Ly
– Sự sống và cái chết trong thành phố – đạo diễn Đào Thanh Tùng
– Người ước đoạt tượng Oscar – đạo diễn Hoàng Mạnh Cường

2 dự án dự phòng:

– Hồn quê – đạo diễn Phạm Hương Giang
– Câu chuyện Hạ Long – đạo diễn Đào Thanh Hưng

Cát Khuê (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)