Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đìu hiu làng chiếu Cẩm Nê

Tạp Chí Giáo Dục

Nghệ nhân Phan Tấn – người duy nhất còn trụ lại với nghề chiếu ở Cẩm Nê
Trong trí nhớ của rất nhiều bậc cao niên đất Đà Thành, làng chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) là 1 trong 3 làng nghề truyền thống (cùng với làng đá mỹ nghệ Non Nước, bánh khô mè Cẩm Lệ) lâu đời của Đà Nẵng. Từ một làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm, từng hết sức sôi động vào những thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX nay đang đứng trước nguy cơ “xóa sổ” hoàn toàn.  
Tương truyền nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa được truyền vào miền Nam khoảng từ thế kỉ XV vào thời vua Lê Thánh Tôn. Trải qua bao thăng trầm, thử thách, kể cả mấy chục năm chiến tranh ly tán nhưng người làng chiếu Cẩm Nê vẫn giữ nghề và phát triển mạnh mẽ suốt hàng trăm năm. Theo nghệ nhân Phan Trà (80 tuổi) cho biết, bằng những nguyên liệu đơn giản như cây lác (cói), đay và với một khung dệt dài bằng kích thước chiếc chiếu có khổ rộng nhất tầm 1,6m (tùy vào kích cỡ chiếu mà nghệ nhân chăng sợi đay cho phù hợp), trên mỗi mắt khung đều có đục nhiều lỗ cách nhật một cách khéo léo để luồn dây đay; ở bốn góc nhà thường đóng neo bốn cọc tre vững chắc và buộc hai cây tre ngang để neo dây làm giàn dệt. Chỉ với công cụ thô sơ đó, những nghệ nhân làng Cẩm Nê bằng đôi tay khéo léo của mình đã cung cấp cho khắp trong Nam, ngoài Bắc những tấm chiếu hoa màu đủ kích cỡ với những hoa văn trang trí đẹp.
Bên bờ vực “xóa sổ”
Nghệ nhân Phan Tấn, 60 tuổi đời, 50 năm tuổi nghề nói với tôi: “Người Cẩm Nê từ lúc sinh ra, đôi bàn tay đã quen với việc chẻ cói (cây nguyên liệu dùng dệt chiếu), phơi cói. Gắn bó cuộc đời với công việc làm ấm chỗ nghỉ ngơi, ru giấc nồng cho bao người trên mọi miền đất nước, từ bậc vua quan sang trọng cho đến kẻ thường dân chân lấm tay bùn. Mấy trăm năm đã thành truyền thống rồi”.
Vậy mà vào làng, làng im ắng. Tiếng thoi dệt chiếu lách cách rộn ràng một thuở giờ chỉ còn tồn tại đếm trên đầu ngón tay; hoặc giả có chăng sự rộn rã ấy giờ đây chỉ còn tồn tại đâu đó trong kí ức tuổi thơ của những ông, bà lão nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Hỏi đến những người theo nghề chiếu Cẩm Nê, cả làng cũng chỉ còn lại vỏn vẹn ba gia đình, đó là: ông Phan Tấn (60 tuổi), ông Trà, ông Lê Công (80 tuổi). Những tháng gần đây vì tuổi già sức yếu, ông Công và ông Trà cũng không thể tiếp tục theo nghề. Dẫu không thể làm “của hồi môn” cho con cháu, những nghệ nhân già cũng cẩn thận xếp khung dệt trên sàn bếp như một kỷ niệm gắn bó suốt thời thơ ấu cho đến cả đời người. Ông Ngô Ngọc Lưu, Phó thôn Cẩm Nê buông tiếng thở dài: “Cách đây hơn 5 năm thì còn có bốn hộ hằng ngày còn phơi lác, nhuộm màu, dệt chiếu, nên ít nhiều vẫn gọi là làng nghề nhưng đến nay thì chỉ còn vỏn vẹn có hộ ông Tấn. Giờ phải gọi là “hộ nghề” mới đúng”.
Trong kí ức của nghệ nhân già Phan Tấn, để duy trì cái nghề truyền thống cho được đến ngày hôm nay với ông quả là một “kỳ tích”. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến làng nghề ngày một tàn lụi là do nguồn nguyên liệu tại chỗ không có. Phần khác, do giá cả xăng, điện… ngày càng tăng, nếu tính toán hết chi phí, từ tiền nguyên liệu, phẩm màu đến tiền thuê nhân công để làm thì mỗi chiếc chiếu gia đình ông chỉ còn lãi trên dưới 10 ngàn đồng. “Tính ra, để dệt được một đôi chiếu (2 chiếc), phải có 2 lao động cần mẫn làm việc mất 6 tiếng đồng hồ. Trong khi làm ra cần phải có người mang đi bán. Mà gia đình chỉ có hai vợ chồng, tôi thì đi bán suốt ngày, chỉ còn bà ấy (vợ ông Tấn) ở nhà và phải thuê thêm người mới có thể dệt được chiếu. Nhưng lúc này, tìm người làm cũng khó lắm. Nên giỏi thì mỗi tháng cũng được vài chục chiếc. Thu nhập như thế thì làm sao mà sống, dân ở đây đành bỏ nghề là vậy!”, ông Tấn ưu tư.
Lực bất tòng tâm
Người dân làng nghề Cẩm Nê không ai không biết đến hai nghệ nhân “gàn” Ngô Ngọc Sử và Ngô Ngọc Song đã từng “liều mạng” vì sự tồn vong của làng nghề. Vào năm 1989, khi làng chiếu Cẩm Nê đang có dấu hiệu sa sút, hai ông đã làm hồ sơ thế chấp nhà cửa vay ngân hàng 140 triệu đồng để đầu tư phát triển làng nghề. Sau khi có tiền, họ mua nguyên liệu, đóng mới khung dệt… đưa cho người dân làm, sau đó thu lại sản phẩm để bán. Nhưng trước sự phát triển ồ ạt của các loại chiếu trúc, chiếu nhựa đang tràn ngập thị trường, chiếu Cẩm Nê dần yếu thế. Hai nghệ nhân “gàn” đứng trước nguy cơ vào tù vì vỡ nợ. Cơ đồ gầy dựng làng nghề đành… gãy gánh giữa đường.
Người làng Cẩm Nê không phải không tâm huyết với nghề cha ông, nhưng vì “lực bất tòng tâm” và “bài học nhãn tiền” nên không ai dám mạnh dạng bỏ vốn đầu tư vực dậy làng nghề thêm lần nữa! Giọt nước mắt người làng Cẩm Nê làm khô dần những trái tim nóng hổi niềm yêu nghề.
Việc làm xem ra khả quan nhất để vực dậy một làng nghề là trong thời gian gần đây, bà con đã đầu tư trồng thí điểm 2 sào đay (loại cây lấy nguyên liệu làm dây dệt chiếu) để xem loại cây này có phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay không. Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ rằng khả năng của địa phương không thể nào kham nỗi vấn đề này, chỉ có cấp trên quan tâm hỗ trợ thì may ra làng nghề mới tồn tại. Điều đó, vẫn chỉ còn là ước mơ của người làng chiếu! “Điều mà các nghệ nhân ở Cẩm Nê lo lắng nhất hiện nay là thế hệ kế tục hầu như không có. Thậm chí, ngay cả gia đình tui có tới 10 đứa con, nhưng chẳng đứa nào chịu theo nghiệp của cha mẹ. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, tui e rằng thế hệ tụi tui chết đi sẽ không kịp truyền nghề lại cho lớp sau. Đến lúc đó muốn đầu tư cũng không có người biết dệt chiếu”, nghệ nhân Phan Tấn tâm tư.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Làng chiếu đã ghi dấu ấn văn hóa một thời của vùng đất thuần nông lắm nắng, nhiều mưa từ thuở cha ông đến khai canh lập nghiệp. Những tấm chiếu hoa Cẩm Nê đã từng được hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn; những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng…
 

Bình luận (0)