TP.HCM đã mở cửa trở lại được khoảng một tháng, tuy nhiên cuộc sống vẫn chưa thật sự… bình thường. Đặc biệt là hoạt động của thị trường bán lẻ vẫn còn khá đìu hiu, các cửa hàng ăn uống đã được phép mở bán phục vụ tại chỗ nhưng lượng khách còn khá khiêm tốn…
Một điểm bán trái cây trên phố Tây Bùi Viện (Q.1)
Chuyển hình thức kinh doanh để tồn tại
Trước đại dịch, phố Tây Bùi Viện (Q.1) nổi tiếng là nơi ăn uống, vui chơi nhộn nhịp bởi các hoạt động kinh doanh quán beer, quán bar, cà phê… Nhất là về đêm, con phố này chưa bao giờ tắt đèn. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, phố Tây trở nên vắng lặng.
Không đành lòng để mặt bằng chết, một số quán đã chuyển đổi hình thức kinh doanh sang bán rau củ quả phục vụ người dân. Nhiều người thừa nhận, đây chỉ là hình thức kinh doanh tạm thời để có thêm thu nhập trang trải chi phí duy trì mặt bằng và tiền hỗ trợ cho nhân viên trong mùa dịch.
Chị Nguyễn Thị Hương – bán trái cây ở phố Tây – cho biết: “Trong thời gian chờ đến ngày được chính thức mở cửa trở lại kinh doanh, người chủ đã linh động cho tôi thuê mặt trước quán để bán trái cây. Như vậy vừa đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân, vừa có thêm thu nhập cho chủ quán. Tuy số tiền này không đáng là bao so với hoạt động kinh doanh trước đây nhưng có đồng nào hay đồng nấy”.
Quán chị Hương đang bán trước khi dịch bùng phát là quá beer – phục vụ phần lớn là khách nước ngoài. Khi TP cho phép bán giao hàng, chị Hương thỏa thuận thuê mặt bằng phía trước để kinh doanh. Trái cây lấy từ miền Tây lên tươi ngon, đa dạng nên nhiều người đặt mua. Đến nay, kết hợp với bán trực tiếp và bán online, mỗi ngày chị Hương bán được 60-70kg các loại.
Anh Bùi Sỹ Hưng (TP.Thủ Đức) quản lý 7 quán cà phê trải khắp các quận đã thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhưng anh quyết định dừng kinh doanh ngay khi đợt dịch thứ tư bùng phát để làm Youtube.
Nội dung kênh Youtube xoay quanh ẩm thực và pha chế, dựa trên chính kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh thức uống của bản thân nên anh Hưng khá thuận lợi trong phát triển kênh. Đến nay, kênh Youtube đã có quảng cáo nên mang về cho anh Hưng một khoản thu nhập nhất định.
“Nếu không mạnh dạn chuyển đổi hình thức kinh doanh thì thiệt hại trong đợt dịch lần này tôi phải gánh sẽ rất nặng nề. Duy trì 7 quán cà phê, tiền mặt bằng phải trả mỗi tháng lên đến hơn 200 triệu đồng, chưa tính chi phí nhân viên, nguyên liệu. Một khoản tiền lớn phải bỏ ra mà không có nguồn thu sẽ không trụ nổi”, anh Hưng nói.
Cũng theo anh Hưng, đối với kinh doanh, chỉ cần vãn khách kéo dài là đã bị ảnh hưởng đến doanh thu chứ chưa nói đến tạm ngừng do giãn cách. Sắp tới, bên cạnh đầu tư phát triển kênh Youtube, anh Hưng tiếp tục kinh doanh cà phê nhưng với quy mô vừa phải để giảm rủi ro.
Nhiều mặt bằng vẫn “cửa đóng, then cài”
Ghi nhận hoạt động kinh doanh tại các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân (Q.3), Cống Quỳnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Q.1), Ngô Tất Tố, Nguyễn Duy Ninh (Q.Bình Thạnh)… cho thấy khá đìu hiu dù TP đã hết giãn cách, dịch vụ ăn uống đã được mở bán phục vụ tại chỗ. Bên cạnh các cửa hàng đóng cửa là nhan nhản mặt bằng treo bảng cho thuê.
Anh Đặng Quốc Tuấn có một mặt bằng trên đường Nguyễn Huệ (Q.1) đã treo bảng cho thuê 4 tháng nay nhưng không ai hỏi han. Mặt bằng 2 tầng, diện tích sử dụng lên đến 40m2. Trước đây anh Tuấn cho thuê kinh doanh cà phê với giá 40 triệu đồng/tháng. Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, TP tăng cường giãn cách, không có người lui tới nên người thuê đã trả lại mặt bằng.
“Có lẽ phải đợi khi dịch được kiểm soát hoàn toàn may ra các hộ kinh doanh mới sẵn sàng thuê lại. Tôi cũng mong sớm tìm được người thuê mới vì đóng cửa nhiều tháng thu nhập bị ảnh hưởng rất nhiều”, anh Tuấn tâm tư.
Theo UBND TP.HCM, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài đã tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế – xã hội, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu. 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,3%); trong đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ quý 1, quý 2 tăng 5,1% so với cùng kỳ; riêng quý 3 ước đạt 104.689 tỷ đồng, giảm 60,6% so với cùng kỳ. Hiện nay, cùng với việc cho phép các dịch vụ ăn uống mở cửa phục vụ tại chỗ và một số dịch vụ khác được hoạt động để vừa tạo sinh kế thu nhập cho người dân, vừa góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, TP cũng tổ chức nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có vay vốn. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc hộ kinh doanh nào có nhu cầu vay vốn có thể đăng ký tại địa phương đang sinh sống. Mức vay tối đa đối với doanh nghiệp không quá 2 tỷ đồng/dự án, cá nhân là 100 triệu đồng/dự án. |
Hiểu được khó khăn của các hộ kinh doanh do tác động của đại dịch, nhiều chủ mặt bằng sẵn sàng hạ giá cho thuê nhưng vẫn ế ẩm. Chị Nguyễn Thị Thu, cho thuê một mặt bằng trên đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) với giá 15 triệu đồng/tháng so với trước dịch là 25 triệu đồng nhưng nhiều tháng nay không ai ngó tới. “Trước đây treo bảng vài ngày là có người hỏi. Nay treo bảng cho thuê nhiều tháng, đồng thời ký gửi trên các trang mạng quảng cáo cũng không ai hỏi dù tôi đã giảm giá”, chị Thu buồn bã.
Ngô Tất Tố là tuyến đường có trường đại học đông sinh viên, nhiều chung cư đông dân nên hoạt động kinh doanh ăn uống, thời trang, giày dép… diễn ra sôi động, đặc biệt là những tháng cuối năm, nhưng đó là trước khi dịch bùng phát. Khi dịch xảy ra, người tiêu dùng cũng “thắt lưng buộc bụng” hơn, hạn chế tiếp xúc đông người khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Đến đợt dịch thứ tư bùng phát, mọi thứ siết chặt, hoạt động kinh doanh tiếp tục đình trệ nên người thuê trả lại mặt bằng nhiều vì không kham nổi tiền thuê. Hơn nữa, “tác động của dịch có thể khiến nhiều người chuyển đổi mô hình kinh doanh, dừng kinh doanh, hoặc cùng một lúc có nhiều mặt bằng bị trả lại, người thuê có nhiều lựa chọn. Đây là thực trạng chung hiện nay”, chị Thu phân tích.
Phú Cát
Bình luận (0)