Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

DN cắt giảm chi phí quảng cáo

Tạp Chí Giáo Dục

Cắt giảm quảng cáo có thể khiến doanh nghiệp mất thị phần. Cẩn thận với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam, năm 2011, doanh thu ngành công nghiệp quảng cáo, truyền thông Việt Nam là 783 triệu USD, trong khi các nước cùng khu vực đã đạt tới 4 tỉ USD. “Hiện doanh thu của chúng ta chỉ hơn Lào và Campuchia” – ông Dũng nói.
Quảng bá đơn giản, thu hẹp phạm vi
Tuy nhiên, trong năm nay, chi phí quảng cáo sẽ bị cắt giảm vì các doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó khăn về tín dụng.
Ông Phan Mạnh Tấn, chuyên viên marketing của một DN chế biến thực phẩm, cho biết: “Chúng tôi đang xem xét lại lựa chọn những kênh quảng cáo phù hợp với đối tượng khách hàng thu nhỏ. DN nào cũng muốn quảng bá thương hiệu rộng rãi. Tuy nhiên, có lẽ phải qua giai đoạn kinh tế khó khăn này chúng tôi mới dám nghĩ tới”.
Ngay cả những thương hiệu lớn cũng đang dè dặt tính toán. Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica, cho biết năm nay Bibica chỉ tập trung quảng bá cho sản phẩm mới. “Sản phẩm cũ vẫn có những hoạt động gia tăng nhận biết cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lựa chọn lại cách làm để chi phí thấp hơn, có thể sẽ quảng cáo trên Internet hoặc website…” – ông Chiến nói. Còn ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết DN này chỉ giữ những chi phí cần thiết, còn những chương trình chưa thực sự bức thiết thì sẽ tạm gác lại.

Trong tình hình khó khăn, DN trong nước ngày càng tìm cách siết chặt chi phí quảng cáo. Trong ảnh: Quảng cáo tách cà phê khổng lồ trong lễ hội cà phê tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C, siêu thị đang tận dụng nguồn lực riêng để tiết kiệm chi phí, như quảng cáo tại siêu thị hoặc in các catalogue khuyến mãi. Ngoài ra, Big C cũng thực hiện việc gửi thư điện tử cho khách hàng mỗi khi có chương trình khuyến mãi. “Chúng tôi phải tìm đến những kênh quảng bá rẻ, có như vậy thì chúng tôi mới có thể đưa ra mức giá tốt nhất cho người mua sắm tại siêu thị” – bà Trang nhấn mạnh.
Cẩn thận với DN nước ngoài
Trong khi một số DN trong nước tìm cách thắt chặt chi phí quảng cáo thì ngược lại, một số DN nước ngoài lại nhân cơ hội này đẩy mạnh quảng cáo. Ông Nguyễn Quang Q., Phó phòng Tiếp thị – Truyền thông của một công ty bảo hiểm nước ngoài, cho biết công ty này tiếp tục tăng ngân sách để đẩy mạnh công tác quảng bá. “Cách làm của DN nước ngoài khác với một số DN trong nước. Ngân sách cho thương hiệu luôn ổn định và các chương trình quảng bá trải đều cả năm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thay đổi cách quảng bá để kéo thêm sự chú ý của cộng đồng” – ông Q. nói.
449 tỉ USD là tổng doanh thu ngành công nghiệp quảng cáo truyền thông thế giới dự 5 kiến trong năm 2012. Tỉ lệ phân bổ như sau: truyền hình 187 tỉ USD (43,8%); báo chí 87,4 tỉ USD (19,5%); Internet và các phương tiện truyền thông mới ( 78,5 tỉ USD (17,5%); radio 30,4 tỉ USD (6,8%).

Theo ông Đỗ Kim Dũng, lý do các DN lớn buộc phải tăng quảng cáo vì họ coi đây là cơ hội để chiếm thị phần. Đặc biệt, các DN nước ngoài được cung cấp vốn từ tập đoàn mẹ, không bị ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng Việt Nam nên họ sẽ có những chiến lược dài hơi, sẵn sàng lời ít hoặc lỗ để có thị phần. Khi có thị phần rồi họ sẽ tính tới lợi nhuận. “Những DN lớn không nên cắt giảm quảng cáo. Bởi khi anh đã mất đi dù 1% thị phần thì số tiền mà anh phải bỏ ra để lấy lại lớn hơn nhiều lần so với chi phí quảng cáo. Tuy nhiên, DN cũng nên lựa chọn lại một số kênh quảng cáo. DN nhỏ và vừa thì nên khoanh vùng đối tượng khách hàng mục tiêu của mình để duy trì kênh quảng cáo” – ông Dũng nói.

Còn theo ông George Nguyễn, Giám đốc điều hành của TBWA Vietnam (chi nhánh của Tập đoàn Quảng cáo truyền thông đa quốc gia Omnicom Group), thương hiệu phải có sự kết nối với người tiêu dùng. “DN phải làm sao tạo ra những thông điệp nổi bật để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Ví dụ, khi một người tiêu dùng đến siêu thị, họ sẽ nhìn thấy rất nhiều thương hiệu. Vấn đề của DN là làm sao để người tiêu dùng luôn chọn họ. Nếu các DN chọn cho mình cách xây dựng thương hiệu một cách quá dễ dàng thì sẽ rất khó đọng lại trong trí nhớ người tiêu dùng” – ông George nhấn mạnh.
MAI PHƯƠNG
Theo Pháp Luật

Bình luận (0)