Thị trường, nguyên liệu khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản xoay xở đủ cách tìm lối thoát, như đầu tư khép kín, đa dạng sản phẩm chế biến… thay vì sản xuất đơn điệu như trước đây.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng, trong lúc thị trường khó khăn, các DN phải tìm hướng đi mới, trong đó cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. Theo ông Dũng, hiện gần như 100% cá tra xuất thô là phile đông lạnh, giá trị không cao.
“Xưa nay, chúng ta coi con cá tra xuất đi Nhật là không thể, nhưng chúng tôi chứng minh có thể. Không chỉ làm mỗi phile đông lạnh mà tẩm bột, hun khói rút xương, cắt miếng kho ăn liền…, cá tra sẽ vào Nhật với giá cao. Mặt khác, thị trường Trung Quốc cũng tương đối lớn mà DN Việt Nam chưa xuất được nhiều”, ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Cty TNHH Hải Nam (Bình Thuận), cho biết sẽ theo hướng chế biến sâu để thêm giá trị gia tăng và đầu tư vào thị trường nội địa. Ngoài hệ thống siêu thị trong nước, Hải Nam dự kiến mở thêm các cửa hàng bán lẻ. Hiện, thị trường nội địa của công ty này chiếm khoảng 10% doanh số, dự kiến thời gian tới sẽ nâng lên 15-20%.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Cổ phần Hùng Vương, nói rằng, nếu DN thủy sản nào không có quy trình khép kín, từ con giống, ao nuôi, thức ăn, chế biến và xuất khẩu, sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới. Theo ông Minh, do nông dân nuôi cá tra đang lỗ từ năm 2012 tới nay, nên họ sẽ không tái đầu tư, và sản lượng sẽ giảm, dẫn tới thiếu nguyên liệu. Hiện, DN xuất khẩu cá tra đầu tư cho vùng nuôi trồng chiếm 70%, còn 30% là nông dân nuôi.
Ông Minh nói: “Người nông dân nắm 30% đó dễ bị thiệt hại. Vì, đầu tiên, DN phải lo cho họ trước, sau đó mới tính tới dân. Vấn đề là khi DN mua của dân, giá cá phải rẻ hơn, chứ cao hơn sẽ không mua. Do đó, nông dân tham gia vào thị trường sẽ rất rủi ro, nếu không gắn kết với nhà máy”.
Theo TPO
Bình luận (0)